Đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu thị trường

09:46 - 20/10/2020

(TTV) - Từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều lao động tự do hoặc lao động giản đơn bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì thị trường lao động vẫn có nhu cầu rất co đối với những lao động có kỹ năng nghề thuộc các nhóm ngành thương mại, dịch vụ, dệt may, da giày, cơ khí chế tạo. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo nghề và bản thân người lao động cần phải có sự chuyển đổi phù hợp để thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Để nhập được các dòng mã lệnh đúng vào máy chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị cung cấp các nhà máy giấy và bao bì, đòi hỏi người thợ tại công ty này phải thành thạo các bước từ phân tích, thiết kế đến thi công. Mặc dù ngay từ đầu năm, bộ phận nhân sự của công ty đã lập kế hoạch khảo sát tại các trường nghề để tuyển người, nhưng số lượng vẫn không đủ đáp ứng so với nhu cầu.

Tại  Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tìm các nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề, nhà trường luôn coi trọng việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, liên kết với các doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ.  Do vậy, cơ cấu ngành nghề đào tạo của nhà trường những năm gần đây đã có sự chuyển dịch hợp lý.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó có 11 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp và 31 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 58% năm 2016 đã tăng lên 67% năm 2019, và dự kiến đạt 70% năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề có sự chênh lệch không nhỏ giữa các cơ sở. Nhất là ở hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, không chỉ chất lượng đào tạo hạn chế, học viên sau khi tốt nghiệp còn thiếu kỹ năng nghề, mà cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng chưa hợp lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng: nhiều lao động sau khi học nghề khó tìm được việc làm phù hợp, trong khi nhiều vị trí việc làm tại các doanh nghiệp lại khó tuyển dụng được nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Nhu cầu của thị trường lao động sẽ định hướng cho đào tạo nghề và xu hướng chọn trường của thí sinh, đặc biệt là thí sinh tốt nghiệp THPT. Do vậy, các cơ sở đào tạo nghề và bản thân người lao động cần chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua vai trò của cơ quan nhà nước liên quan trong việc cung cấp thông tin, định hướng cơ cấu ngành nghề và tạo kết nối giữa 2 khâu cung – cầu của thị trường lao động./.

Theo Bản tin THNM 20/10