Dấu chân người Việt cổ

20:46 - 20/03/2019

(TTV) - Vùng đất Thanh Hóa từ thuở khai thiên lập địa, chưa có tên gọi thì đã có loài người sinh sống. Những dấu tích của người Việt cổ được các nhà khoa học tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học trên địa tỉnh đã chứng minh rằng: Thanh Hóa là một trong những cái nôi của loài người.

 

Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong nằm trong dãy núi đá vôi của vườn quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận xã Thành Yên huyện Thạch Thành là di chỉ khảo cổ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất ở Việt Nam và  Đông Nam Á.  Những di vật được tìm thấy tại đây cho thấy, các thế hệ tiền nhân đã  trải qua 4 giai đoạn phát triển văn hóa, gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi, đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút. Niên đại sớm nhất của hang Con Moong được dự đoán cách ngày nay khoảng  60.000 năm.

Từ hang Con Moong, trải qua hàng chục ngàn năm do biến đổi của khí hậu, thời tiết dẫn đến môi trường sinh sống được mở rộng, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, sinh hoạt ngày càng tiến bộ, người nguyên thủy đã tách ra từng bầy nhóm, di chuyển đến các hang động, rừng núi. Họ đã thích nghi với môi trường trong suốt hàng vạn năm, từ hái lượm săn bắt, tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi...

Năm 1984, các nhà khảo cổ học đã  bắt đầu khảo sát tại khu vực Mái Đá Điều, thuộc địa bàn bản Khiêng, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, thu được hơn 300 hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong các năm 1986 - 1989, do tầm quan trọng của di tích này, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục hợp tác với các nhà khảo cổ học Bun- ga-ri tiến hành khai quật 3 lần. Kết quả thu được hàng ngàn hiện vật đá gồm công cụ kiểu văn hoá Sơn Vi. Ðặc biệt, tại đây, các nhà khảo cổ học  đã tìm thấy 10 mộ cổ, trong đó có một mộ song táng, có hai bộ xương hoá thạch mà chưa nơi nào ở Việt Nam phát hiện được di cốt còn tương đối nguyên vẹn như thế.

Xuôi xuống miền đồng bằng, di chỉ  núi Đọ (huyện Thiệu Hóa), di chỉ Gò Trũng (huyện Hậu Lộc), di tích khảo cổ Cồn Cổ Ngựa (huyện Hà Trung)... nằm rải rác suốt dọc triền những dòng sông lớn, cho thấy con người thời tiền sử đã thành công trong việc chiếm lĩnh khu vực đồng bằng, biến nơi đây thành vùng đất khởi đầu cho những nền văn minh sơ khai.  Từ đồng bằng, người Việt cổ đã tiến dần xuống biển, tạo nên những nền văn hóa mang dấu ấn đậm nét, có sức ảnh hưởng, lan tỏa đến nhiều vùng miền trong suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài; mà trong đó, tiêu biểu là văn hóa Hoa Lộc. Di chỉ văn hóa Hoa Lộc nằm trên những cồn cát kéo dài từ xã Liên Lộc, qua  Hoa Lộc, Phú Lộc, đến Hòa Lộc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam; chứa đựng khối lượng lớn các loại hiện vật khác nhau, bao gồm đồ đá, đồ gốm, đồ đồng...

Hàng chục ngàn năm lịch sử, người tiền sử đã lao động kiến tạo cuộc sống, lập nên những  khu vực quần cư, những làng mạc, thôn ấp, thiết lập dần những cộng đồng nguyên thủy đầu tiên trên vùng đất Thanh Hóa, tạo nên một mạch nguồn, cội rễ bền vững cho sự phát triển của các thời đại về sau./. 

Minh Thúy- Xuân Sơn