Dấu tích khởi nghĩa Bà Triệu trên đỉnh Ngàn Nưa

20:04 - 29/03/2024

Năm 248, sau khi phất cờ khởi nghĩa tại núi Quân Yên (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), Bà Triệu và nghĩa quân tiến về khu vực núi Nưa (thuộc địa phận các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh) để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc Ngô. Hiện nay, trên đỉnh ngàn Nưa linh thiêng, vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích và truyền thuyết về Bà Triệu cùng cuộc khởi nghĩa lẫy lừng do Bà lãnh đạo.

Bãi đất trống trên đỉnh Am Tiên, thuộc dãy Ngàn Nưa, tương truyền là nơi khi xưa bà Triệu dựng đại bản doanh, tập luyện cho quân sĩ. Ở nơi này, bà dựng thêm một khu chợ, gọi là chợ Bụa, họp vào buổi đêm. Đây vừa là nơi để người dân trong vùng giao thương, vừa là nơi nghĩa quân thu nạp lương thực, vũ khí. Cách đó vài trăm mét là giếng Tiên. Dù ở độ cao gần 600 m so với mực nước biển, song lúc nào nước giếng cũng trong mát. Tương truyền, đây là nơi bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi chuẩn bị xuất quân.

Khi lực lượng nghĩa quân lớn mạnh, từ Ngàn Nưa, Bà Triệu cùng nghĩa quân kéo xuống đồng bằng, giành nhiều thắng lợi vang dội, khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía…

Ngày nay, tại Ngàn Nưa, đặc biệt là đỉnh Am Tiên, còn rất nhiều địa điểm, địa danh gắn với truyền thuyết liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 như: Gò đống Thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân); Đồng Kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân); Bùng Voi Đằm (nơi tắm cho voi), Ao Hóp (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân)…

Dấu tích khởi nghĩa Bà Triệu trên đỉnh Ngàn Nưa- Ảnh 1.

Sau khi khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, người dân nhớ ơn, lập một ngôi đền thờ Bà ngay trên đỉnh Am Tiên. Trải qua thời gian năm tháng, cho đến hôm nay, ngôi đền vẫn nghi ngút khói nhang, thể hiện sự lòng kính ngưỡng của các thế hệ cháu con dành cho vị nữ anh hùng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Du khách đến từ thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Năm nào gia đình cũng lên Am Tiên, mang theo cả con để giúp các cháu hiểu hơn về truyền thống của dân tộc".

Dấu tích khởi nghĩa Bà Triệu trên đỉnh Ngàn Nưa- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Sơn, Công chức văn hóa thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Văn Sơn, Công chức văn hóa thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Những năm qua, xã và huyện luôn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Bà Triệu".

Gần 2 thiên niên kỷ đã qua đi, trên đỉnh Ngàn Nưa huyền thoại, những dấu tích và câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vẫn được nhân dân gìn giữ, lưu truyền; khí phách hiên ngang, tinh thần chống giặc bất khuất của vị liệt nữ vẫn âm vang hồn sông núi.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 29/03/2024