Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Bài toán không dễ giải

21:10 - 15/04/2018

(TTV) - Do nguồn ngân sách để chi cho xây dựng cơ bản bị cắt giảm, các chương trình như đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, chương trình mục tiêu cho giáo dục ngày càng thu hẹp lại, đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các trường học. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn đang còn nhiều trường học xuống cấp, thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị dạy học.

 

Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh còn thiếu 1.042 phòng học và có 3.975 phòng học đã xuống cấp ở cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS cần được đầu tư xây dựng mới. Đối với các đồ dùng, thiết bị dạy học chỉ đáp ứng 73% nhu cầu dạy và học.

 

Thầy giáo Hoàng Đình Tùng (Phó hiệu trưởng trường tiểu học Luận Khê II, huyện Thường Xuân) cho biết: "Nhà này là từ năm 2004 đã xuống cấp rất nhiều. Đặc biệt với hôm thời tiết mưa bão, gió các cháu phải di chuyển vị trí học. Hàng năm tuy lúc nào cũng có kế hoạch tu sửa về cơ sở vật chất nhưng nó chỉ ở mức độ chắp vá thôi, hỏng chỗ nào với kinh phí hạn hẹp sửa chỗ đấy thôi."

 

Hạn chế về cơ sở vật chất được Sở Giáo dục và đào tạo xác nhận là một trong những yếu kém cơ bản cần được khắc phục ở các nhà trường. Đầu việc đã rõ, nhưng giải quyết thế nào thì  không chỉ bằng sự nỗ lực của ngành là đủ.

Theo tính toán, để đầu tư xây dựng đủ cơ sở vật chất trường, lớp học phải cần nguồn vốn lên đến gần 18 nghìn tỷ đồng. Trước vấn đề nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương dành cho đầu tư cơ sở vật chất giáo dục còn nhiều khó khăn, thì các địa phương cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, gắn xây dựng trường học với xây dựng nông thôn mới, kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, nhằm huy động tối đa sức mạnh của cả cộng đồng cùng quan tâm và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục./.

Cẩm Thơ - Sỹ Thảo