Đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm phát triển kinh tế

Trong những năm gần đây, phong trào trồng rừng tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã được người dân tích cực tham gia và có bước phát triển mạnh mẽ. Việc trồng rừng đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động nông thôn, miền núi; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Gia đình ông Vi Văn Piên, ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn có 6 ha đất rừng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, gia đình ông đã tập trung cải tạo diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng mới cây vầu, luồng. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 3 ha vầu, 2 ha luồng và tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ 1 ha rừng tự nhiên. Nhờ phát huy được tiềm năng, lợi thế đất đai, nên hàng năm gia đình ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề rừng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Ông Vi Văn Piên cho biết: "Sau khi có khi chủ trương của xã , của thôn, gia đình tôi đi đầu trong việc phát triển trồng mới và khoanh nuôi bảo vệ tái sinh lại một số rừng vầu. Gia đình chúng tôi đã trồng được hơn 3 ha giống mới và quản lý bảo vệ hơn 1 ha rừng tự nhiên".

Đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm phát triển kinh tế- Ảnh 1.

Xã biên giới Tam Lư, huyện Quan Sơn, có trên 5.000 ha cây lâm nghiệp, trong đó cây vầu trên 4.000 ha, đem lại nguồn thu nhập chính cho trên 90% hộ dân trong xã. Nhờ phát triển mạnh kinh tế từ cây vầu, từ năm 2018, xã Tam Lư đã trở thành một trong những xã vùng cao của tỉnh xây dựng thành công nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Kinh tế rừng đang góp phần giảm nghèo và từng bước làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đời sống bà con Nhân dân hầu như dựa vào rừng vầu, luồng, đây là cây mũi nhọn và thu nhập chính cho người dân do vậy chúng tôi đã xác định mục tiêu mũi nhọn là thế mạnh của rừng. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con Nhân dân bảo vệ chăm sóc quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với Hạt kiểm lâm, lâm trường cũng như Đội Biên phòng Tam Thanh tuyên truyền bà con Nhân dân trồng rừng cũng như trồng luống để đáp ứng mục đích kinh doanh và đem lại hiệu quả cao hơn và hàng năm độ che phủ rừng càng ngày càng tăng".

Đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Trong những năm vừa qua, công tác trồng rừng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 650.000 ha rừng. Bình quân môi năm, toàn tỉnh trồng được 10.000 ha rừng; khoanh nuôi, tái sinh 40.000 ha, góp phần đưa độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 53,75% vào cuối năm 2023, tăng 0,95% so với năm 2015, cao gấp 1,3 lần bình quân chung của cả nước. Những cánh rừng không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Ông Thiều Văn Lực, Chi cục Phó Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: "10 năm qua, công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, mỗi năm trung bình trồng được khoảng trên 10.000 ha rừng tập trung và hơn 6 triệu cây trồng phân tán, đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống của người dân từ thu nhập từ rừng và đặc biệt là đã nâng cao độ che phủ rừng. Nhận thức của người dân trong công tác trồng rừng cũng đã được nâng lên rất rõ rệt, người dân tự bỏ vốn ra trồng và đã đưa các biện pháp xử lý kỹ thuật lâm sinh, đưa các giống có năng suất chất lượng cao vào trồng rừng để tăng năng suất và có nguồn thu nhập từ trồng rừng".

Đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm phát triển kinh tế- Ảnh 3.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác phát triển rừng theo hướng bền vững. Cùng với đó, cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch vùng nguyên liệu; chú trọng thu hút đầu tư các nhà máy, cơ sở chế biến, ưu tiên đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn để nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích Nhân dân tham gia phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của người dân gắn bó với nghề rừng.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 23/4/2024