Đến lượt Đồng Nai yêu cầu xử lý Địa ốc Alibaba

09:41 - 06/11/2018

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh các phi vụ bán đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Địa ốc Alibaba) ở địa bàn huyện Long Thành. Vì sao như vậy?

Địa ốc Alibaba đã quảng bá trên mạng vị trí bán đất nền có nhiều lợi thế ở các khu vực phụ cận dự án sân bay quốc tế Long Thành, kết nối quốc lộ 51, gần đường cao tốc... Tuy nhiên, các dự án rao bán hiện nay đều chưa được chính quyền cấp phép.

Không có phép, cứ phân lô, bán nền

Do tin các lời rao trên, nhiều khách hàng đã bỏ tiền, đặt cọc mua đất tại khu vực huyện Long Thành để đón đầu dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Tấn Đức - chủ tịch UBND huyện Long Thành - khẳng định: "Đến giờ này không có một dự án nào của Địa ốc Alibaba được cấp phép, vì vậy người dân mua đất của công ty này phải hết sức thận trọng. Hiện chúng tôi đã đề nghị công an phối hợp làm rõ tính pháp lý của các dự án".

Theo UBND huyện Long Thành, đến nay Địa ốc Alibaba đã mở nhiều dự án không phép rao bán, móc nối với người dân địa phương để bán nền với diện tích hơn 60ha tại các xã Phước Bình, Phước Thái, Long Phước và An Phước. Đây cũng là khu vực phụ cận dự án sân bay quốc tế Long Thành.

Cụ thể tại ấp 4, xã Phước Bình, công ty địa ốc trên đã rao một dự án có tên Alibaba Center Park II với quy mô 5,5ha, xẻ ra hơn 340 lô nền. Bước đầu qua xác minh, cơ quan chức năng đã xác định khu đất trên do một phụ nữ có hộ khẩu tại Bình Dương có tên là T.T.H.N., giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp, đứng ra phân phối đất nền bằng một hợp đồng hợp tác.

Thế nhưng khi huyện Long Thành tổ chức kiểm tra, phần đất phân lô bán nền này do các công ty trên tự vẽ đường, phân lô nền mà chưa có bất cứ giấy phép nào của cơ quan chức năng về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư.

Tương tự, ở xã Long Phước, đoàn kiểm ra cũng phát hiện các vị trí phân lô bán nền của Địa ốc Alibaba được "núp bóng" bằng tên của nhiều chủ đất rồi san ủi, kết nối hạ tầng, sau đó "vẽ" quy mô dân cư lên 20ha để rao bán, nhưng thực tế việc ủy quyền hợp tác của chủ đất chỉ 5,4ha mà không có bất kỳ giấy phép nào của cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng ở xã này, công ty này lập ra dự án khu dân cư quốc tế Lilama. Thế nhưng khi UBND huyện Long Thành lập đoàn kiểm tra thì phát hiện vị trí khu đất này do người khác đứng tên.

Tại xã An Phước, Địa ốc Alibaba cũng tự vẽ dự án, rồi kết nối đường giao thông ở gần Khu công nghiệp Long Đức với diện tích gần 1,4ha để rao bán hơn 100 nền. UBND huyện Long Thành khẳng định công ty này đã tự ý thiết kế đường giao thông, phân lô nền mà không có bất cứ tờ giấy phép nào.

UBND huyện Long Thành cho biết dấu hiệu vi phạm của Địa ốc Alibaba rất giống nhau ở chỗ bán đất nền là: móc nối với chủ đất để hợp tác đầu tư bằng cách san ủi, phân lô, sau đó tự ý kết nối hạ tầng đường giao thông khi chưa có giấy phép rồi rao bán. Do vậy, người dân cần cảnh giác, khi có nhu cầu mua nhà đất thì cần tìm hiểu kỹ hoặc tham khảo chính quyền địa phương.

Khu vực dự án Địa ốc Alibaba rao bán bị chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo - Ảnh: CTV
Khu vực dự án Địa ốc Alibaba rao bán bị chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo - Ảnh: CTV

Chính quyền cảnh báo người dân về Địa ốc Alibaba

Đó là khẳng định của ông Đặng Minh Đức, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, khi đề cập các dự án của Địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh này. "Dự án phải có chủ trương đầu tư của các sở Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng nhưng phải phù hợp quy hoạch. Sau đó, nếu có chủ trương thì Sở Tài nguyên - môi trường xem xét, có ý kiến về thủ tục thu hồi đất, đánh giá tác động môi trường nhưng các dự án của Alibaba chưa có gì cả", ông nói.

Theo ông Đức, qua kiểm tra, chưa có bất kỳ sở nào cấp giấy phép cho Địa ốc Alibaba. Hiện sở đã kiến nghị UBND huyện Long Thành cắm biển cảnh báo người dân khi mua đất nền của Địa ốc Alibaba.

Trả lời về những khó khăn trong việc xử lý Địa ốc Alibaba trên địa bàn, một lãnh đạo xã Long Phước cho hay công ty này hay tổ chức cho khách hàng tham quan, giới thiệu vị trí phân lô trên sơ đồ, ký hợp đồng thỏa thuận, đặt cọc tại một địa điểm khác nên khó khăn trong xử lý.

Ngoài ra, có một số vị trí địa phương chấp thuận cho thi công đấu nối nhưng chưa nghiệm thu, chưa lập thủ tục thu hồi đất làm đường và chưa đủ điều kiện tách thửa thì công ty này cứ tự vẽ đường kết nối giao thông và phân lô rao bán...

Nói về hướng xử lý với công ty này, lãnh đạo UBND huyện Long Thành cho hay huyện đã kiến nghị các sở ngành liên quan tạm ngưng không giải quyết các thủ tục về đất đai đối với các trường hợp mua bán đất nền trái phép của Địa ốc Alibaba…

Qua xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác nhận Công ty cổ phần địa ốc Alibaba có trụ sở tại 353 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), do ông Nguyễn Thái Lĩnh làm giám đốc.

Tháng 5-2016, công ty đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Đến tháng 12-2016, đăng ký kinh doanh thay đổi lần 1 nâng vốn điều lệ lên 20 tỉ đồng. Đến tháng 9-2017, công ty này nâng vốn điều lệ lên 1.600 tỉ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh gồm: tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản.

Tại Đồng Nai, công ty này mở chi nhánh tại xã Long Phước, huyện Long Thành, góp vốn với công ty có giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp…

T.Long/Tuổi trẻ