Đi lễ Chùa cần công đức đúng nghĩa

15:22 - 09/04/2024

Người Việt nói chung và thành phố Thanh Hoá nói riêng, khi đi đến các Đền, Chùa thường có tâm nguyện phát nguyện cúng dường mong tích góp công đức, cầu mong may mắn. Nếu như trước đây tại các Đình, Đền, Chùa, trong các lễ hội việc đặt tiền công đức tràn lan, bừa bãi, thậm chí người dân nhét tiền vào tay tượng Phật, thánh, bình hoa, mâm lễ, thả ao hồ… gây phản cảm, thì nay tình trạng này đã được cải thiện rõ nét.

Đi lễ Chùa là nét đẹp văn hóa của dân tộc, kèm với đó là chút công đức thể hiện tấm lòng thành, đóng góp để cải tạo, tu bổ Đình, Đền, Chùa. Theo khảo sát của nhóm phóng viên, tại một số Đền, Chùa, cơ sở tín ngưỡng lớn trên địa bàn thành phố Thanh Hoá việc đặt tiền công đức khắp nơi đã giảm so với mọi năm, thậm chí nhiều Đền, Chùa tình trạng này không còn, thay bằng việc đặt tiền lẻ bừa bãi, nhiều người đã công đức tại bàn đón tiếp hoặc chỉ đặt tiền tại chính điện, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các Đền, Chùa, xây dựng văn minh khi tham gia lễ hội, đi lễ Chùa. Bà Lê Thị Thủy, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Chúng tôi thường đi Chùa vào rằm, mùng 1. Nhà chùa đã quy định là bỏ tiền công đức vào các thùng công đức, thế nên chúng tôi cũng không đặt lên các ban thờ nữa mà cho tiền vào các thùng công đức ở nhà Chùa".

Đi lễ Chùa cần công đức đúng nghĩa- Ảnh 1.

Để có được sự chuyển biến tích cực này, việc đầu tiên phải kể đến là sự phân cấp quản lý di tích, tích cực tuyên truyền của các cơ sở tín ngưỡng. Hiện nay hầu hết các cơ sở tín ngưỡng đều đặt hòm công đức và có bàn đón tiếp khách đến lễ. Tại nhiều cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, Ban Quản lý Đền, Chùa thường xuyên phối hợp với du khách nếu bắt gặp trường hợp nhét tiền lên tượng thánh, quan, đều nhắc nhở. Đồng thời, nhà Đền, nhà Chùa phân công người thu gom tiền lễ, tiền công đức bỏ vào hòm công đức. Nhờ đó, hình ảnh phản cảm, tiền rơi lộn xộn đã không còn. Trong khuôn viên hay trước cửa nơi thờ tự cũng không còn dịch vụ đổi tiền lẻ. Sư Thầy Thích Thanh Chính, trụ trì chùa Đồng Lễ, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa cho biết tiền công đức là tùy duyên, nhà Chùa cũng đảm bảo sự an toàn, an ninh, cũng rất chặt chẽ và khoa học. Ở các ban thờ, nhà Chùa thường bố trí các hòm công đức và từng ban đều có thùng công đức, có khu ghi nhận công đức riêng cho các tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, các phật tử về Chùa cung tiến.

Đi lễ Chùa cần công đức đúng nghĩa- Ảnh 2.

Đặt tiền công đức là một nét văn hóa đẹp khi đi lễ Chùa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đặt tiền công đức đúng cách, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân rải tiền lung tung, làm mất đi giá trị đồng tiền Việt Nam, cùng tâm lý phô trương khoe của và "hối lộ thần linh" mong cầu cho bản thân. Nên việc tăng cường tuyên truyền của nhà Chùa, Đền và cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng trong đến Nhân dân, phật tử về nét đẹp văn hóa, ý nghĩa và cách đặt tiền dầu đèn đúng, góp phần xây dựng văn minh khi đi lễ chùa.

Nguồn: Chuyên mục Truyền hình thành phố Thanh Hóa ngày 03/4/2024