Điều kiện hỗ trợ và ngân sách không đồng bộ: Hộ nghèo khó tiếp cận vốn

10:59 - 17/10/2020

Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết, có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng điều kiện hỗ trợ đòi hỏi cao nên bà con khó tiếp cận.

Đối với tỉnh biên giới Lai Châu, công tác giảm nghèo bền vững những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương vẫn còn một số bất cập, khi điều kiện hỗ trợ đòi hỏi cao và ngân sách thực hiện không đi kèm với chính sách, dẫn đến hộ nghèo vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn.  

Hộ nghèo khó tiếp cận vốn
Hộ nghèo khó tiếp cận vốn

Gia đình anh La Văn Phái, dân tộc Thái, ở bản Nà Khoang, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên có 5 nhân khẩu và thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào ít đất lúa trồng cấy 1 vụ và tiền công vài triệu đồng mỗi tháng đi làm thuê như: bốc vác, phụ hồ, thu hái chè…

Qua rà soát của chính quyền xã, gia đình anh Phái được hưởng nhiều chính sách, trong đó có những chính sách hỗ trợ trực tiếp như giống cây chè. Tuy nhiên, yêu cầu của chính sách hỗ trợ phải có ít nhất từ 1.000m2 đất trở lên, trong khi gia đình anh Phái chỉ có 700m2, nên không được hỗ trợ: "Tôi đi làm thuê để trang trải cuộc sống, mỗi một năm cũng chỉ được 8 đến 10 triệu thôi. Giờ đang thiếu đất sản xuất, làm ăn thì đất chẳng có mấy, bố mẹ cũng chia cho đất ít thôi. Giờ gia đình đang thiếu vốn làm ăn phát triển kinh tế".

Xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Do địa hình đồi núi dốc, ít đất sản xuất nên hiện xã vẫn còn gần 30% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Thiếu đất sản xuất, qua vụ lúa, khi nhàn rỗi bà con thường đi làm thuê công nhật,  thu nhập cũng chẳng được là bao.

Ông Nguyễn Kim Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết, có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng điều kiện hỗ trợ đòi hỏi cao nên bà con khó tiếp cận. Một số chính sách dù đã có hiệu lực từ lâu và cũng sắp hết thời hạn thực hiện nhưng thiếu nguồn vốn để thực hiện, nên rất khó khăn cho các hộ nghèo: "Một số hộ nghèo khi thực hiện chính sách là khó khăn, họ không có tiền đối ứng để thực hiện chính sách; thế nên là một số chính sách triển khai rồi vẫn còn một số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là họ không có tiền đối ứng để được hưởng các chính sách nhà nước hỗ trợ. Một số chính sách theo đề án của tỉnh, Chính phủ thì vẫn có những chính sách vốn còn chậm so với thực tế. Mong muốn thời gian tới, những chính sách nào được hỗ trợ thì kịp thời nguồn vốn được giải ngân, để xã triển khai cho bà con để phấn đấu thoát nghèo".

Theo số liệu thống kê giai đoan 2016 – 2019, trên địa bàn huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hàng chục chánh sách giảm nghèo với tổng nguồn vốn phân bổ gần 150 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 130 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện, một số chính sách đã đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo như chương trình 30a, 135, 755…

Ông Tòng Văn Đỉnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Uyên cho biết, các chính sách đã hỗ trợ về nông cụ máy móc, chuyển đổi nghề, công trình nước sinh hoạt và nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã đến với người dân. Diện mạo nhiều vùng nông thôn đã đổi thay, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Uyên từ hơn 30% năm 2015 xuống còn hơn 14% hiện nay. Tuy nhiên, đối với một số chính sách hiện nay vẫn còn tồn tại, đó là bố trí nguồn vốn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng người dân vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, dẫn tới tiếp cận tín dụng khó khăn.

"Chính sách hỗ trợ đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù đề án đã được phê duyệt từ tháng 9.2017, tuy nhiên nguồn vốn phân bỏ không đáng kể, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt các chính sách cho đồng bào được kịp thời, mong muốn là nếu sau này, các đề án vẫn còn được tiếp tục triển khai thực hiện thì phải phân bổ nguồn vốn đảm bảo kịp thời, để tránh cho dự án treo", ông Đỉnh cho biết.

Cũng đồng quan điểm với ông Tòng Văn Đỉnh, bà Lê Thị Tình - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện rất cần các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ mang tính tổng thể, theo hướng lâu dài cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách cũng cần có cơ sở tích hợp thu gọn đầu mối, phân công rõ trách nhiệm và ưu tiên nguồn lực để thực hiện. 

"Trong tổng thể đề án đã được phê duyệt thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện thì cũng có một số nguồn vốn được cấp vốn chưa đảm bảo theo kế hoạch của huyện, chậm và muộn. Mong muốn của huyện thì vẫn mong tiếp tục được đầu tư và bố trí nốt các nguồn vốn mà đã nằm trong đề án của huyện; bố trí thêm các nguồn vốn mà các chương trình, dự án đã triển khai trên địa bàn, để huyện tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ".

Tuy đạt được nhiều kết quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng huyện Tân Uyên cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.  Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, ngoài sự nỗ lực và ý trí quyết tâm vươn lên của người dân, rất cần Trung ương quan tâm, xem xét cân đối nguồn lực để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc