Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi của Thanh Hoá

20:48 - 21/05/2019

(TTV) - Sáng ngày 21/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đồng chí Phạm Văn Đông, Cục trưởng C ục Thú y làm trưởng đoàn, đã đ ến kiểm tra công tác phòng chống và ngăn ngừa bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa.Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng III, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa.

 

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông phát biểu tại buổi làm việc
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông phát biểu tại buổi làm việc

Cục trưởng Phạm Văn Đông và đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Quảng Cát từ ngày 13.5, đến nay, đã phải tiêu hủy 95 con lợn, với tổng trọng lượng gần 3,8 tấn của 6 hộ chăn nuôi. Ngay sau khi phát hiện dịch, công tác khoanh vùng, dập dịch đã được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, do đó hạn chế được thiệt hại.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến ngày 20/5/2019, dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 123 xã của 18 huyện trên địa bàn tỉnh. Số lợn phải tiêu huỷ hơn 8.700 con, với tổng trọng lượng trên 570 tấn. Hiện đã có 17 xã công bố hết dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông đánh giá cao sự chủ động của xã Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, do phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có cơ sở giết mổ tập trung, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, cần phải tiếp tục kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm, không để dịch bệnh lan rộng. 

Cục trưởng Phạm Văn Đông lưu ý: những ngày tới, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ còn diễn biến phức tạp, đề nghị các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai các biện pháp khẩn cấp, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh; tăng cường hoạt động của các trạm, chốt kiểm soát động vật; mở rộng diện tiêu độc khử trùng, để tiêu diệt vi rút gây bệnh; kiểm soát chặt hoạt động giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn. Về lâu dài, tỉnh cần chỉ đạo hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học một cách chi tiết, cụ thể, dễ hiểu cho người chăn nuôi, coi đây là giải pháp căn cơ nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Theo Bản tin tối TTV