Doanh nghiệp cần chuẩn bị kiến thức pháp lý khi tham gia thương mại quốc tế

19:45 - 18/08/2019

(TTV)- Việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thanh Hóa mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới trên thế giới. Nhiều hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp Thanh Hóa với các đối tác nước ngoài được ký kết. Do vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Thanh Hóa cần phải chuẩn bị kiến thức pháp lý về hợp đồng khi tham gia thương mại quốc tế.

Từ năm 2018 đến nay, Công ty cổ phần nông sản Phú Gia đã nhập khoảng 33 nghìn tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 7 đơn vị cung cấp nước ngoài (chủ yếu là Singapore và Hungari), với giá trị nhập khẩu gần 11 triệu USD.

Để quản trị và giảm thiểu tối đa những rủi ro trong quá trình giao dịch hợp đồng quốc tế, Công ty Phú Gia đã phải xây dựng đội ngũ nhân viên pháp chế riêng; đồng thời ký hợp đồng với Công ty Luật hợp danh Hoàng Gia để tư vấn pháp luật, giúp doanh nghiệp hiểu chính xác, đầy đủ các điều khoản và cơ sở pháp lý trước khi ký kết hợp đồng quốc tế.

Bà Trần Thị Hiền-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Phú Gia:  "Tham gia hoạt động mua bán thương mại quốc tế thì doanh nghiệp cũng có biện pháp để phòng ngừa rủi ro: đầu tiên phải có đội ngũ chuyên môn vững về nghiệp vụ mua bán quốc tế, thứ 2 là các bạn phải luôn luôn nắm được các luật thương mại để chủ động đàm phán và đưa ra những điều kiện trao đổi giữa hai bên để làm sao đảm bảo quyền lợi của người mua là bên mình, hạn chế được những rủi ro trong quá trình mua bán sẽ gặp phải "
Bà Trần Thị Hiền-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Phú Gia: "Tham gia hoạt động mua bán thương mại quốc tế thì doanh nghiệp cũng có biện pháp để phòng ngừa rủi ro: đầu tiên phải có đội ngũ chuyên môn vững về nghiệp vụ mua bán quốc tế, thứ 2 là các bạn phải luôn luôn nắm được các luật thương mại để chủ động đàm phán và đưa ra những điều kiện trao đổi giữa hai bên để làm sao đảm bảo quyền lợi của người mua là bên mình, hạn chế được những rủi ro trong quá trình mua bán sẽ gặp phải"

Thực tế hiện nay, phần lớn hàng hóa của các doanh nghiệp Thanh Hóa được xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch (chỉ cần tờ khai tiểu ngạch, không cần ký hợp đồng ngoại thương) hoặc thông qua trung gian, dẫn đến lợi nhuận thấp và không đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh các quốc gia đang có xu hướng siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu chính ngạch và trực tiếp để có hợp đồng mua bán đầy đủ, ràng buộc giữa người mua và người bán theo quy định và thông lệ quốc tế, thì việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Thanh Hóa cần tìm hiểu kỹ các kiến thức pháp luật về hợp đồng mua bán quốc tế là yêu cầu cấp thiết.

Ông Đỗ Đình Hiệu- Giám đốc VCCI Thanh Hóa:  "Khi tham gia thương mại quốc tế thì kiến thức pháp lý đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần biết là quan hệ quốc tế không thuần túy như ở Việt Nam. Tất cả các hợp đồng đã được họ chuẩn hóa rất là nghiêm túc. Nếu sai lệch đi trong hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp giữa người VIệt và người nước ngoài là hết sức khó khăn. ...Chính vì vậy, tôi đề nghị các doanh nghiệp hết sức lưu ý, khuyến cáo với doanh nghiệp là khi tham gia thương mại với người nước ngoài thì hợp đồng phải chặt chẽ, đúng với quy định của pháp luật đối với quan hệ quốc tế về thương mại "
Ông Đỗ Đình Hiệu- Giám đốc VCCI Thanh Hóa: "Khi tham gia thương mại quốc tế thì kiến thức pháp lý đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần biết là quan hệ quốc tế không thuần túy như ở Việt Nam. Tất cả các hợp đồng đã được họ chuẩn hóa rất là nghiêm túc. Nếu sai lệch đi trong hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp giữa người VIệt và người nước ngoài là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, tôi đề nghị các doanh nghiệp hết sức lưu ý, khuyến cáo với doanh nghiệp là khi tham gia thương mại với người nước ngoài thì hợp đồng phải chặt chẽ, đúng với quy định của pháp luật đối với quan hệ quốc tế về thương mại"

Việt Nam đã tham gia Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). CISG được coi như là một bệ đỡ pháp lý về mặt hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - lĩnh vực hầu như không có luật quy định. Do đó, ngoài việc nắm vững nội dung các Hiệp định thương mại tự do, luật pháp của nước sở tại thì doanh nghiệp cần phải hiểu kỹ về CISG. Áp dụng được CISG sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thanh Hóa tăng tính chủ động, giảm thiểu rủi ro trong quá trình tham gia thương mại quốc tế.

Theo Thời sự tối 18/8/2019