Doanh nghiệp làm trung tâm phát triển rừng theo chuỗi

06:25 - 19/08/2019

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rừng trồng bền vững, xây dựng các chương trình hỗ trợ vốn ưu đãi cho sản xuất lâm nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp. Nhiều chủ rừng đã áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn giống có chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng... Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 276.000 ha diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm khoảng 55% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch thiết kế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng tại Phú Yên ở mức trung bình, khoảng 80 - 120m3/ha. Theo ông Thịnh, việc liên kết hình thành chuỗi phát triển trong lâm nghiệp là rất cần thiết. Trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm: “Giá trị cuối cùng chính là giá trị của sản phẩm sau chế biến. Tất cả chuỗi này đều được chia sẻ lợi ích với nhau hết.”

doanh nghiep lam trung tam phat trien rung theo chuoi hinh 1
Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rừng trồng bền vững tại Phú Yên.

Ngành rừng sản xuất có chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao. Do đó, việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên- đơn vị đầu tiên của tỉnh Phú Yên tham gia mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu (GFTN) cho biết: “Đầu tư trồng rừng mất từ 6 - 7 năm, nếu có sự đồng thuận để phát triển được nguồn nguyên liệu ổn định thì trong đó các hộ nông dân phải cùng công ty kết nối với nhau và đồng thời có được những tổ chức tín dụng làm sao cho vay vốn ưu đãi.”

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, vốn sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ưu tiên một số chương trình cho vùng miền núi.

“Đối với vùng khó khăn, tỉnh Phú Yên làm việc với Ngân hàng Chính sách và với những chính sách của Trung ương đã có thì với người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng khó khăn thì khi vay vốn trồng rừng, chu kỳ có thể lên tới 10 năm. Làm được việc này có thể đảm bảo được khả năng trồng ra sản phẩm thật sự chứ không phải bán non. Với việc lưu gốc lâu như vậy, trồng gỗ lớn theo chương trình đảm bảo nguồn sinh thủy ở thượng nguồn nhiều hơn và tránh lũ quét nhiều hơn” - ông Trần Hữu Thế nói./.