Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản

21:25 - 25/03/2024

Đưa hàng nông sản lên các nền tảng số đã và đang được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp triển khai với các địa phương và ngành nông nghiệp để nông dân, các doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn, gia tăng giá trị hàng Việt trong giai đoạn hiện nay.

Chú trọng lựa chọn những sản phẩm OCOP chất lượng để quảng bá, giới thiệu dưới dạng sản vật địa phương, xây dựng điểm tiêu thụ uy tín và lựa chọn được đối tượng khách hàng tiềm năng... đây là hướng tiếp cận hiệu quả của Công ty CP dược liệu Triệu Sơn khi ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử. Với diện tích showroom rộng rãi, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, cửa hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP 3 sao của công ty đã trở thành điểm xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm được chiết xuất từ cây Sâm Báo như: Đồ uống tăng lực Sâm Báo, rượu Sâm Báo, trà, cafe Sâm Báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Tất cả các sản phẩm của công ty đều được nhận biết thông qua mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc để người dùng tiện tra cứu sản phẩm, tạo lòng tin, tăng độ uy tín của sản phẩm cũng như hình thức bắt mắt, sản phẩm đa dạng chủng loại phù hợp với nhiều độ tuổi, từng khẩu vị người dùng. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, đơn vị còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như: Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada, Livestream trên nền tảng số và tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho du khách tại các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Với cách làm sáng tạo, đa dạng trên nền tảng số, công ty có mức tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm/tháng.

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 1.

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Chung, Phòng kinh doanh công ty CP dược liệu Triệu Sơn, Tỉnh Thanh Hóa

Bà Trần Thị Chung, Phòng kinh doanh công ty CP Dược liệu Triệu Sơn, Tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm đến với người tiêu dùng".

Không chỉ là doanh nghiệp có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, huyện Hà Trung còn xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm đã đem lại giá trị kinh tế cao cho hạt gạo xứ Thanh. Theo đó, Công ty đã xây dựng nhà máy có dây chuyền xay xát lúa gạo hiện đại RS25P, với công suất gần 10.000 tấn/năm. Nhà máy đi vào hoạt động, sản lượng chế biến lúa gạo đã tăng gấp 4 lần so với chế biến truyền thống. Đây là cơ hội để công ty phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng thương hiệu bảo hộ độc quyền sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh đạt OCOP 4 sao. Cùng với đó công ty cho ra đời sản phẩm gạo Tiên Sơn số 3, đạt tiêu chuẩn HACCP về kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngoài kênh phân phối truyền thống chợ, siêu thị, doanh nghiệp thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, với mức tiêu thụ trên 4.000 tấn gạo mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, huyện Hà Trung, Tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để phát triển sản phẩm uy tín trên thị trường, việc liên kết với nông dân trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các điều kiện quy trình canh tác, sản phẩm phải chất lượng, tạo sự yên tâm đối với khách hàng, đối tác thu mua".

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 3.

Ngoài nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đối với cây lúa, thông qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hà Long, Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa gạo của địa phương theo hướng liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững. Trong đó, công ty liên kết với các hộ nông dân trong quá trình canh tác thâm canh cây lúa áp dụng hoàn toàn phương pháp hữu cơ từ khâu giống, vật tư chăm sóc, thu mua sản phẩm theo chuỗi sản xuất, chế biến lúa gạo tập trung. Với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại tất cả các khâu nên sản phẩm của công ty đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường.

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung, Tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung, Tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Địa phương rất coi trọng phát triển các nền tảng số trong nông nghiệp; kêu gọi thu hút doanh nghiệp để làm đòn bẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa liên kết sản xuất thu mua bao tiêu ổn định cho nông dân".

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, Tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung, Tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng phối hợp với bà con nhân dân thực hiện xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã làm viễ với bà con nhân dân, quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thứ hai là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất cũng như phục vụ cho quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa".

Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh đã có 100% doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị máy tính có kết nối internet, 45% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng trang web, fanpage thương mại điện tử; gần 6.000 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử. Qua 3 năm hoạt động, sàn giao dịch thương mại điện tử đã có trên 2 triệu lượt truy cập. Ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử không chỉ đơn thuần là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng mà còn là kênh quảng bá, giới thiệu nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Doanh nghiệp ứng dụng số phát triển kênh tiêu thụ nông sản- Ảnh 6.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 25/03/2024