Độc đáo sắc mầu khăn chầu áo ngự trong Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Thanh Hoá

10:45 - 17/04/2019

(TTV) - Tối 16/4, tại chùa Bái Chăm, thành phố Thanh Hoá đã diễn ra lễ tổng kết Liên hoan "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt" toàn tỉnh lần thứ 2. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, góp phần chào mừng 990 năm danh xưng Thanh Hoá. Đồng thời, qua hoạt động liên hoan này, người dân và du khách cũng có dịp được chiêm ngưỡng những bộ trang phục độc đáo, góp phần tạo nên buổi hầu đồng đầy sắc mầu tâm linh.

 

Nghi lễ hầu giá đồng.
Nghi lễ mời rượu, thuốc các Quan trong hầu đồng.

Trong không gian linh thiêng tại Chùa Bái Chăm, TP Thanh Hóa, cùng với tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, và tiếng hát của các cung văn, các thanh đồng đã mang đến đêm tổng kết Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” toàn tỉnh lần thứ 2 những giá hầu đặc sắc như Chầu Đệ Nhất, Chầu Lục, Giá Quan Tuần Tranh, Quan Hoàng Mười, Quan Hoàng Bơ, Giá Cô Sáu Đền Sòng, Cô Đôi thượng, Cô bé Bắc Lệ, Cậu bé Bản Đền....

Hơn 20 giá hầu được trình diễn trong buổi tổng kết đã giới thiệu đến người xem sự phong phú và đa dạng của những bộ phục trang đặc trưng nhiều mầu sắc, mang đến cho người xem những nét văn hóa dân tộc các vùng miền, đó là mầu lam của vùng núi Tây Bắc qua Loan giá Chúa Then, là giỏ hom trong Giá hầu Cô Đôi Mường, là mái chèo miền biển trong Loan giá Quan Hoàng Bơ...

Loan giá Chúa Then
Loan giá Chúa Then

 

Giá Cô Đôi Mường
Giá Cô Đôi Mường

 

Loan giá Quan Hoàng Bơ
Loan giá Quan Hoàng Bơ

 

​Trang phục khăn áo hầu đồng không chỉ giới thiệu đến người xem biết về các giá đồng mà còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt.
​Trang phục khăn áo hầu đồng không chỉ giới thiệu đến người xem biết về các giá đồng mà còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt.

Trong suốt thời gian theo dõi nghi lễ hầu đồng, thông qua những mầu sắc, hoa văn và trang sức của các trang phục ngự đồng, chúng ta có thể nhận biết được danh tính, sắc thái của vị thánh ngự giá.

Mầu đỏ cao quý của Chầu bà Đệ Nhất, là mầu chủ đạo của Mẫu Thiên Phủ
Mầu đỏ cao quý của Chầu bà Đệ Nhất, là mầu chủ đạo của Thiên phủ

 

Trang phục của Chầu Chúa Nguyệt Hồ mang màu xanh chủ đạo, tượng trưng cho miền rừng núi, thuộc về Nhạc phủ…
Trang phục của Chầu Chúa Nguyệt Hồ mang màu xanh chủ đạo, tượng trưng cho miền rừng núi, thuộc về Nhạc phủ

 

Trang phục Quan Hoàng Mười luôn được thêu rồng và có màu vàng tượng trưng cho sự tối cao, quyến quý..
Trang phục Quan Hoàng Mười luôn được thêu rồng và có màu vàng tượng trưng cho Địa phủ 

 

Trang phục trong giá hầu Quan Hoàng Bơ thường có mầu trắng là chủ đạo vì đây là nam thần thuộc Thoải phủ
Trang phục trong giá hầu Quan Hoàng Bơ thường có mầu trắng là chủ đạo vì đây là nam thần thuộc Thoải phủ

 

Trang phục Quan Tuần Tranh thường có màu lam hoặc màu chàm làm nền
Trang phục Quan Tuần Tranh 

Màu sắc trang phục các giá hàng Cô cũng có những biến thể, bên cạnh mầu sắc chủ đạo của 4 Mẫu thì trang phục giá hàng Cô còn được bổ sung các những màu trung gian như chàm, lam, lục, tím, xanh lơ, xanh hoa lý...
Màu sắc trang phục các giá hàng Cô cũng có những biến thể, bên cạnh mầu sắc chủ đạo của 4 Phủ thì trang phục giá hàng Cô còn được bổ sung các những màu trung gian như chàm, lam, lục, tím, xanh lơ, xanh hoa lý...

 

 

Bên cạnh khăn chầu áo ngự, thì những đạo cụ bao như: đao kiếm, gậy (hèo), quạt, gối cũng được sử dụng để nhận diện mỗi giá hầu...

Đao, kiếm thường dùng trong giá hàng Quan thể hiện sức mạnh
Đao, kiếm thường dùng trong giá hàng Quan thể hiện sức mạnh

 

Quạt là đạo cụ được sử dụng nhiều nhất: để múa đồng, đề thơ, giáng bút, cũng là cái ngăn cách giữa thế giới trần tục với thế giới linh thiêng..
Quạt là đạo cụ được sử dụng nhiều nhất để múa đồng, đề thơ, giáng bút, cũng là cái ngăn cách giữa thế giới trần tục với thế giới linh thiêng..

 

Giá Quan Hoàng Mười dùng quạt đề thơ.
Giá Quan Hoàng Mười dùng quạt đề thơ.

Nhìn vào hệ thống trang phục khăn áo hầu đồng và trang sức trong nghi lễ hầu đồng, chúng ta biết được sự phong phú của trang phục người Việt qua nhiều dân tộc và các vùng miền khác nhau. Vì thế trang phục hầu đồng không chỉ là yếu tố tạo nên một buổi hầu đồng hấp dẫn mà có thể nói đây là bộ sưu tập lịch sử, văn hóa vô cùng phong phú và sinh động, giống như “bảo tàng sống” của văn hóa Việt Nam.

Liên hoan “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” toàn tỉnh lần thứ 2 diễn ra không chỉ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mà còn mong muốn qua liên hoan lần này, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu hơn về nét đẹp của loại hình văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; Để từ đó mọi người cùng nhau chung tay bảo tồn giá trị thực sự của loại hình văn hóa tâm linh độc đáo này.

 Minh Hương