Đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa ăn Tết năm cùng

08:35 - 21/01/2021

(TTV) - Ngày nay, đồng bào dân tộc Dao trên cả nước nói chung, ở Thanh Hóa nói riêng vẫn giữ được nhiều phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, trong đó có phong tục ăn Tết năm cùng vào tháng Chạp hàng năm. Đây là dịp để mỗi gia đình, cộng đồng củng cố tình đoàn kết, cùng nhau đón chào năm mới với niềm hy vọng về những điều tốt đẹp .

 

Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, đồng bào dân tộc Dao ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa lại náo nức ăn tết năm cùng. Tùy vào điều kiện, mỗi gia đình tổ chức ăn tết với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Thông thường, những người con cả, trưởng họ hay người có chức sắc sẽ mời đông đủ anh em, họ hàng, bà con trong làng tới ăn tết.

Chuẩn bị ăn tết, từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình, dòng họ đã tập trung đông đủ. Người trẻ thì mổ gà, đồ xôi, giã bánh…, còn các bậc cao niên quây quần bên ấm trà nóng, ôn lại những chuyện buồn, vui của một năm qua.

Theo phong tục của người Dao, lễ vật dâng cúng tổ tiên không thể thiếu bánh dày, gà luộc. Trong buổi lễ, có 3 thầy mo cúng tại 3 bàn thờ. Thầy cúng có chức sắc nhất cúng trước tại bàn thờ tổ. Sau đó, lần lượt các thầy cúng khác làm lễ với thời gian dài từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Lễ vật sau khi cúng xong sẽ được chia đều rồi bày lên lá chuối tươi để họ hàng, làng xóm cùng ăn Tết. Điều đặc biệt trong cái Tết năm cùng của người Dao là không ai ép nhau uống rượu. Tết vì thế luôn diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ.

Mặc dù ngày nay, các nghi lễ trong Tết năm cùng đã được rút gọn và đơn giản hơn so với trước kia nhưng ý nghĩa vẫn còn nguyên vẹn. Đây không chỉ là dịp để gia đình, dòng họ đoàn tụ, bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên mà còn giáo dục truyền thống cho con cháu, gìn giữ những nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của dân tộc Dao; góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.   

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 21/01