Dòng tiền trước tác động giảm lãi suất

21:12 - 17/04/2021

(TTV) - Trong bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng đang ở mức thấp, dòng tiền chảy vào ngân hàng có dấu hiệu chậm lại và có thời điểm dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, như bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa, về cơ bản, kênh tiết kiệm vẫn được nhiều người dân lựa chọn bởi tính an toàn. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở mức thấp đã và đang hỗ trợ tích cực cho khu vực sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển.

Biểu lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời điểm hiện nay cho thấy, lãi suất tiết kiệm Việt Nam đồng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được áp dụng phổ biến ở mức 3-4%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3,5-5,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 4,6-6%/năm.   

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp khiến một lượng tiền đã chảy ra khỏi kênh tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa cho biết, đến hết quý 1/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 105 nghìn 900 tỷ đồng, tăng trên 1% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy dù lãi suất giảm ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, song kênh tiết kiệm vẫn được nhiều người dân quan tâm lựa chọn. Cùng với đó, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay tại nhiều ngân hàng đã được thu hẹp lại tạo điều kiện để khu vực sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng để đầu tư, phát triển.

Hết quý 1/2021, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thanh Hóa đạt trên 117 nghìn  tỷ đồng, tăng khoảng 1,3% so với cuối năm 2020, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm trên 47% tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng Việt Nam đồng chiếm 99% tổng dư nợ. Đáng chú ý, tín dụng chủ yếu chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh khi mà Ngân hàng Nhà nước có những quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm kiểm soát  chặt tín dụng trong những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%; tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ bốn tỷ đồng trở lên…

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng cường quản lý việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định; đặc biệt theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất lại  đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế, trong quý II năm nay, lãi suất tiền gửi và cho vay có thể sẽ tăng khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.

Hồng Ngọc - Quang Phú

Theo Bản tin Thời sự Tối/TTV