Du lịch Thanh Hóa linh hoạt thích ứng với đại dịch Covid-19

21:16 - 04/01/2022

(TTV) - Sau 4 lần "đóng - mở", tương ứng với 4 đợt bùng phát của dịch COVID - 19, năm 2021, tiếp tục là năm mà hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề, có những thời điểm gần như tê liệt. Các doanh nghiệp du lịch đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lực; các phương án, kịch bản phát triển du lịch gần như bị vô hiệu hóa. Vì vậy, các chỉ tiêu du lịch trong năm 2021 cũng đều giảm sâu và không đạt.

 

Năm 2021, Thanh Hóa chỉ đón được khoảng 3,4 triệu lượt khách, giảm 53% so với năm 2020. Tổng thu du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, giảm 53%. Gần 23.000 lao động mất việc làm; hơn 600 cơ sở lưu trú phải đóng cửa; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải bồi hoàn cọc cho 15.000 khách hủy tour, ước tính thiệt hại hơn 52 tỷ đồng. Không có khách du lịch đồng nghĩa với không có doanh thu, các khoản trả lãi ngân hàng, nhân viên, nộp thuế… là những gánh nặng mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt.

Trong cơn bão dịch COVID – 19, ngành du lịch Thanh Hóa và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch  đã nỗ lực thích nghi,tìm hướng đi thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Các chương trình xúc tiến, kết nối du lịch được tổ chức đã đem lại những hiệu quả nhất định. Các khu, điểm du lịch đã mở cửa đón khách nội tỉnh với phương châm “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, hoạt động tối đa 50% công suất. Đồng thời, một số đơn vị đã hình thành các sản phẩm du lịch gắn với các chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách như: du lịch không chạm tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái của Puluong huyện Bá Thước; Bong bóng du lịch của khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn- Nghỉ dưỡng 0 đồng - dành riêng cho người dân Thanh Hóa.

Trong năm qua, nhiều đơn vị du lịch trong tỉnh đã kiện toàn bộ máy nhân sự, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, đào tạo và dào tạo lại gần 3.000 lao động du lịch sau cơn đại dịch. Các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao du lịch, Hiệp hội du lịch mời các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, đánh gía xây dựng điểm đến và sản phẩm đặc trưng cho địa phương.

Đặc biệt, trong năm 2021 ngành du lịch Thanh Hóa chứng kiến nhiều dự án, tổ hợp có quy mô lớn được khởi công như: Dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Dự án Flamingo Quảng trường khu B, huyện Hoằng Hóa; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại và dự án Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng tại huyện Quảng Xương.

Dù dịch bệnh dây ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên công tác phòng chống dịch được kiểm soát tốt là cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”. Vấn đề trong năm tới đó là ngành du lịch Thanh Hóa cần có một chương trình kích cầu thực sự hiệu quả, có tính liên kết để phục hồi trong trạng thái bình thường mới và thu hút khách du lịch một cách bền vững.

Mai Phương – Mạnh Tuấn/ Bản tin Thời sự tối TTV