Dự thảo quy định về đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá trong CAND

20:25 - 19/11/2020

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định về đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hoá trong Công an nhân dân (CAND).

 

Ảnh minh họa - Internet

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với đơn vị trực thuộc Bộ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; học viện, trường CAND; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa trong CAND.

Đối tượng áp dụng gồm: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Công an và đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua vật tư, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm công ích phục vụ công tác công an; đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND sử dụng: (1) quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các quỹ hợp pháp khác để đầu tư, mua sắm tài sản, (2) nguồn thu hoạt động sự nghiệp để mua hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám và điều trị bệnh, thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định mua sắm áp dụng theo quy định của Thông tư này và các quy định khác có liên quan.

Nguồn kinh phí đầu tư, mua sắm gồm:

1. Vốn đầu tư phát triển.

2. Kinh phí thường xuyên.

3. Kinh phí UBND địa phương cấp.

4. Kinh phí: chi sự nghiệp, chương trình mục tiêu, chi đặc biệt, chi dự trữ quốc gia.

5. Kinh phí hợp pháp khác.

Quy trình đầu tư, mua sắm

Mua sắm theo dự án đầu tư được thực hiện theo trình tự sau: a- Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. b- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. c- Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. d- Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán (đối với dự án có thiết kế 2 bước). đ- Lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng; tiếp nhận hàng hóa, nghiệm thu; thanh toán. e- Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm. g- Quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm.

Mua sắm theo dự toán được thực hiện theo trình tự sau: a- Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm. b- Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. c- Lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng; tiếp nhận hàng hóa, nghiệm thu; thanh toán. d- Cấp phát, theo dõi tài sản, hàng hóa mua sắm. đ- Quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ