Được điểm cao nhất nhờ viết luận bằng mực vô hình

21:23 - 10/10/2019

Một nữ sinh Nhật Bản đã được điểm cao nhất khi nộp bài luận là 1 tờ giấy trắng.

 

Được điểm cao nhất nhờ viết luận bằng mực vô hình - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Haga thích thú với hình tượng ninja sau khi xem một bộ phim hoạt hình về nhân vật này

Eimi Haga đã học kỹ thuật "aburidashi" - mực vô hình - của ninja, thực hiện ngâm và nghiền đậu nành để tạo ra loại mực viết như mong muốn. Chữ chỉ hiện ra khi thầy giáo hơ nóng tờ giấy trên bếp ga.

“Tôi học kỹ thuật này từ một cuốn sách tôi đọc khi nhỏ”, Haga nói với BBC. "Tôi chỉ hy vọng rằng sẽ không có ai trùng ý tưởng với mình”.

Cô Haga rất quan tâm tới các ninja - những sát thủ thời trung cổ nước Nhật - kể từ khi xem một bộ phim hoạt hình lúc nhỏ.

Sau khi vào ĐH Mie, cô sinh viên năm nhất đã được học về lịch sử của ninja và bài tập là viết luận về chuyến thăm bảo tàng Ninja ở Igaryu.

"Khi giáo sư nói với cả lớp rằng thầy sẽ cho điểm cao cho những bài viết sáng tạo, tôi đã quyết định sẽ thực hiện bài luận theo một cách khác biệt”, cô Haga nhớ lại. “Tôi đã suy nghĩ hồi lâu và nảy ra ý tưởng về aburidashi."

 

Được điểm cao nhất nhờ viết luận bằng mực vô hình - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bài luận điểm tuyệt đối với phần giấy được hơ nóng và chưa được hơ nóng 

Cô Haga, 19 tuổi, đã ngâm đậu nành cả đêm, rồi nghiên chúng trước khi lọc qua 1 miếng vải. Cô đã trộn nước chiết xuất đậu nành với nước, và mất khoảng 2 tiếng để cô đặc hỗn hợp - trước khi dùng bút lông loại tốt viết lên giấy "washi" (một loại giấy mỏng của người Nhật).

Khi các chữ đã khô, chúng sẽ trở thành vô hình. Nhưng để chắc chắn rằng thầy giáo sẽ không vứt bài luận của mình vào thùng rác, cô đã ghi chú bằng mực thường ở góc bài luận rằng: “Thầy hãy làm nóng tờ giấy”.

Giáo sư Yuji Yamada cho biết ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bài luận. “Tôi đã từng nhận các bài tập viết dưới dạng mật mã nhưng chưa bao giờ có bài tập nào dùng kỹ thuật aburidashi," ông nói với BBC.

"Phải nói rất thật là tôi có chút nghi ngờ rằng những con chữ vô hình này sẽ hiện ra một cách rõ ràng. Nhưng khi tôi làm nóng tờ giấy trên bếp ga ở nhà, các chữ đã hiện ra rất rõ nét và tôi đã nghĩ “Làm tốt lắm!”.

"Tôi không do dự khi cho bài luận điểm tuyệt đối, mặc dù tôi còn chưa đọc hết nó. Bởi vì tôi nghĩ rằng không nên làm nóng toàn bộ tờ giấy trong trường hợp truyền thông muốn tiếp cận và chụp 1 bức ảnh về nó".

Nói về bài luận của mình, cô Haga cho biết bài luận của cô tập trung vào hình thức thể hiện hơn là nội dung. “Tôi tự tin rằng thầy giáo sẽ nhận ra những nỗ lực của tôi trong việc tạo ra 1 bài luận có tính sáng tạo. Tôi không thực sự lo lắng rằng mình sẽ bị điểm xấu cho bài luận này, mặc dù nội dung bài luận thực sự không có gì đặc biệt”.

Theo Dân trí