Duy trì, nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm

09:05 - 13/04/2024

Tỉnh Thanh Hoá hiện có 366 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, chiếm 94% tổng số chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, là tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước. Tuy nhiên, nếu không duy trì tốt các tiêu chí sau khi được công nhận, thì việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm sẽ trở thành hình thức. Do vậy, các địa phương, đơn vị đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm. Ghi nhận tại huyện Triệu Sơn.

Cách đây gần 4 năm, chợ Giắt, thuộc thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn được công nhận là chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN: 11856:2017. Theo đại diện Ban Quản lý chợ, Ban Quản lý và chính quyền địa phương đã phải rất vất vả, quyết tâm để đạt được các tiêu chí này. Tuy nhiên, gần 4 năm sau khi được công nhận, chợ Giắt đã bộc lộ một số bất cập. Đặc biệt, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý vận hành tại chợ đã bắt đầu xuống cấp. Xác định đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất là việc không thể chậm trễ, chính quyền địa phương và Ban Quản lý chợ đã tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương trong chợ cùng chung tay sửa chữa khu vệ sinh, từng bước nâng cấp mái vòm và hệ thống các ki ốt tại chợ.

Duy trì, nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giắt, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hàng năm, chúng tôi đều dành một phần kinh phí nhất định để cùng với các tiểu thương, Ban quản lý chợ để nâng cấp các cái hạng mục bị xuống cấp, ví dụ như: nâng cấp hệ thống khu vệ sinh, khu bán hàng..."

Duy trì, nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm- Ảnh 2.

Huyện Triệu Sơn có 17/17 chợ được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm, trong đó, có 7 chợ đạt chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và 10 chợ được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm theo Quyết định của UBND tỉnh. Theo đánh giá của phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Triệu Sơn, hầu hết các chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đều đã thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi xung quanh quầy hàng; có đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn và được vệ sinh sạch sẽ phục vụ kinh doanh; không sử dụng, kinh doanh phụ gia thực phẩm; có sổ sách ghi chép hợp đồng, hóa đơn, chứng từ. Tại các chợ, tổ quản lý giám sát an toàn thực phẩm được duy trì và hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, một số hạng mục, nhất là khu kinh doanh thực phẩm tại các chợ đã xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp thường xuyên; Nguồn thu phí từ các chợ còn thấp chưa đảm bảo thu ngân sách cho hoạt động quản lý đầu tư nâng cấp tại chợ. Do vậy, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm kịp thời khắc phục tồn tại để không xảy ra tình trạng tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm bị giảm sút.

Duy trì, nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm- Ảnh 3.

Ông Phạm Thế Khoa, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Thế Khoa, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Về lâu dài, cần kêu gọi các nhà đầu tư có tâm huyết để chuyển đổi chợ, lúc đó, công tác quản lý chợ sẽ chuyên nghiệp hơn. Lâu nay trên địa bàn huyện, Ban quản lý chợ có các cán bộ Ủy ban nhân dân xã kiêm nhiệm là chính cho nên không thể thường xuyên có mặt ở chợ được."

Duy trì, nâng cao tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm- Ảnh 4.

Để duy trì tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm bền vững, ngoài trách nhiệm của Ban Quản lý chợ, rất cần sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương và các ngành liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ. Cùng với đó là sự hợp tác của chính các tiểu thương trong chợ. Có như vậy, việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm mới đạt hiệu quả thực chất, góp phần phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguồn: Bản tin Thanh Hoá ngày mới 13/04/2024