[Emagazine] Sáng mãi tên anh - Người chiến sỹ Lê Đình Chinh

17:17 - 16/02/2019

Vào những ngày tháng 2 lịch sử, phóng viên Đài PTTH Thanh Hóa có dịp đến thăm bà Khương Thị Chu, mẹ của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, năm nay đã tròn 85 tuổi, tai mẹ đã không còn nghe rõ, mắt cũng đã mờ đi rất nhiều và ngay cả trí nhớ cũng không còn được như xưa, chỉ duy có ký ức về người con trai Lê Đình Chinh thì vẫn còn vẹn nguyên.

 

 

Vào những ngày tháng 2 lịch sử, phóng viên Đài PTTH Thanh Hóa có dịp đến thăm bà Khương Thị Chu, mẹ của anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, năm nay đã tròn 85 tuổi, tai mẹ đã không còn nghe rõ, mắt cũng đã mờ đi rất nhiều và ngay cả trí nhớ cũng không còn được như xưa, chỉ duy có ký ức về người con trai Lê Đình Chinh thì vẫn còn vẹn nguyên.

 

 

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ở đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), bà Khương Thị Chu bồi hồi kể lại những kỷ niệm về người con trai cả đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.

 

 

Lê Đình Chinh là con cả trong nhà, nên ngoài việc đi học, anh còn phải giúp bố mẹ chăm sóc các em. Trước Tết Nguyên đán 1975, khi mới tròn 15 tuổi và đang là một học sinh giỏi toàn diện của Trường cấp 2 xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Lê  Đình Chinh đã xin phép bố mẹ xung phong đi bộ đội. Thương con còn nhỏ nhưng trước nguyện vọng được phụng sự cho Tổ quốc của anh, bà Chu đã chấp nhận để con vào bộ đội.

 

 

Sau thời gian huấn luyện, Lê Đình Chinh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội biên phòng). Đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới. Tại đây, anh cùng với đồng đội đã tham gia nhiều trận chiến đánh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong một trận đánh, anh đã bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, Lê Đình Chinh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1978, đơn vị của anh Lê Đình Chinh được bí mật điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc, 3 tháng sau thì anh hy sinh…

 

 

18h chiều ngày 25/8/1978, đài tiếng nói phát bản tin chiến sĩ tên Lê Đình Chinh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đồng bào. Trong ký ức của người mẹ, cái ngày nghe tin con mình đã hy sinh dường như không có thật, bởi anh còn quá trẻ, bởi đất nước đã thống nhất được mấy năm rồi.

 

Chan-dung-me-cua-Le-Dinh-Chinh.jpg
 

"Tôi vẫn nhớ như in vào ngày 25/8/1978, tôi mở đài, bất ngờ nghe đọc tên Lê Đình Chinh hy sinh ở Lạng Sơn, khi đó tôi như người chết lặng, thế nhưng vẫn còn chút hy vọng, tôi bảo với ông nhà tôi, liệu có ai trùng tên Lê Đình Chinh không, chứ con mình vừa mới về nghỉ phép mà. Ông nhà tôi sau đó đi khắp các nơi hỏi xem có ai trùng tên đó không nhưng rồi không có ai cả”. Bà Chu ngậm ngùi kể về những thời khắc đau đớn nhất của đời mình.

 
 
Câu chuyện hy sinh của con trai được đồng đội anh kể lại, cho đến giờ bà vẫn còn nhớ rất rành rọt.
 

 
Đó là những năm tháng tình hình biên giới Việt - Trung ngày càng trở nên phức tạp. Trong đoàn quân tiến lên biên giới bảo vệ Tổ quốc năm ấy có những chàng trai của Trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên), đơn vị tiền thân của Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 được tăng cường lực lượng đến đồi Pù Tèo Hào để bảo vệ đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng tới động viên bà con người Việt gốc Hoa trở về nơi ở cũ, rời khỏi khu vực biên giới. Trong khi đoàn liên ngành đang làm nhiệm vụ thì bọn côn đồ từ bên kia biên giới tràn sang hành hung cán bộ của ta. Trước hành động bạo ngược đó, Lê Đình Chinh cùng đồng đội đã anh dũng chống trả, bảo vệ đồng bào mình. Dù bị thương nhưng với tinh thần tiến công, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, anh quyết đánh đuổi kẻ xâm lược về bên kia biên giới. Nhưng do bị tập kích bất ngờ, anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. 10h30’ ngày 25/8/1978, Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh nơi địa đầu Tổ quốc. Năm ấy, anh vừa 18 tuổi...

 

 

40 năm đã trôi qua, nhưng bà Khương Thị Chu vẫn không thể nào quên được từng lời nói, cử chỉ và cả ước vọng của người con trai khi lên đường nhập ngũ. Có lẽ, với bà, Lê Đình Chinh vẫn mãi sống ở cái tuổi 15, ở những ngày viết đơn xin đi bộ đội. Người mẹ ấy vẫn ngày ngày gìn giữ những kỷ vật ít ỏi còn lại của liệt sỹ, những kỷ vật như một minh chứng cho những chiến công, cho lời thề quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước và cho những mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong những năm 70 của thế kỷ trước.

 

 

 

Đây là những lời sau cuối của liệt sĩ Lê Đình Chinh trong bức thư viết chỉ vài ngày trước đó. Anh đã nằm lại mãi mãi ở cái tuổi 18 – người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc.

 

35 năm nằm tại xứ Lạng trong tình yêu thương và sự kính trọng của đồng bào các dân tộc nơi đây, ngày 5/1/2013, hài cốt của anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh được cất bốc, đưa về Thanh Hóa… Ngày đón anh trở về quê, giọt nước mắt của người mẹ già nhỏ trên linh cữu của người con anh hùng liệt sỹ. Tâm nguyện cuối đời được đón hài cốt con về quê hương đã trở thành hiện thực.

 

 

Có một câu chuyện ngỡ như một giai thoại, là khi cất bốc hài cốt anh hùng liệt sỹ Lê Đình Chinh, người dân Lạng Sơn vẫn để lại ngôi mộ và bia khắc tên anh tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Cao Lộc. Họ bảo, để anh vẫn có chỗ đi về thăm lại bà con, thăm lại vùng đất đã từng chiến đấu và vì nó mà hy sinh. Chỉ còn là một ngôi mộ gió, nhưng ẩn trong đó, là cả một niềm tin của nhân dân về anh linh vẫn còn sống mãi của con người đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc.

 

 

Đó là một trong những bài hát được viết ngay sau khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra năm 1979. Sự hy sinh anh dũng của Lê Đình Chinh đã trở thành một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam trưởng thành trong khói lửa chiến tranh vệ quốc. “Bấy giờ cả nước đều hướng về biên giới phía bắc, thanh niên cả nước đều học tập tấm gương anh dũng của Lê Đình Chinh” (Ông Cao Việt Bắc, Phó ban liên lạc đoàn Thanh Xuyên, nguyên Trưởng ban chính sách Trung đoàn 12 vào những năm 1978 -1979, nhớ lại).

 

[video(264201)]

 

Không chỉ Thanh Hóa, nhiều địa phương đã lấy tên người anh hùng Lê Đình Chinh để đặt tên đường, trường học như một sự tri ân, một lời nhắc nhở tới những thế hệ sau này về thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 

 

Tròn 40 năm sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, giờ đây, “mẹ không còn khóc nữa, chỉ nhớ và tự hào về Chinh thôi” - Bà Chu nói, trong lòng đã thôi khóc thương, lo lắng khi liệt sỹ Lê Đình Chinh còn nằm lại ở quê xa. Những ký ức về anh giờ là niềm tự hào, bình yên trong tâm tưởng người mẹ già.
40 năm đã trôi qua, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc vẫn còn nhiều những dấu tích chiến tranh. Cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và của của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên giới phía Bắc. Dẫu vậy, người dân các tỉnh biên giới phía Bắc, những người lính đã từng chiến đấu tại đây, kể cả những người may mắn được sống sót trở về cùng những người đã nằm lại, hòa mình vào lòng đất biên cương của Tổ quốc vẫn có quyền tự hào, bởi họ là những người viết nên khúc tráng ca bất tử trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

 

(Tỉnh đoàn Thanh Hóa dâng hương liệt sỹ Lê Đình Chinh và thăm hỏi mẹ liệt sỹ)
(Tỉnh đoàn Thanh Hóa dâng hương liệt sỹ Lê Đình Chinh và thăm hỏi mẹ liệt sỹ)

 

Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi, những thế hệ trẻ muốn gửi tới các anh, các chị - những người đã sống và chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên!