EVFTA tăng áp lực cạnh tranh lên nhóm hàng có lợi thế

18:22 - 08/07/2020

(TTV) - Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây. Thời gian không còn nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia sản xuất những nhóm ngành hàng có lợi thế phải chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới có thế tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định này mang lại.

Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may và da giày Việt Nam vào EU sẽ được giảm lần lượt 42,5% và 37% các dòng thuế về 0% ngay lập tức, và là nhóm những ngành hàng được hưởng lợi nhiều bậc nhất. Đây cũng là những nhóm ngành hàng chủ lực, chiếm tới trên 70% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may, da giầy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đạt khoảng 15- 20%, thậm chí có những mặt hàng mới chỉ đạt khoảng 5%; trong khi để đáp ứng được các điều kiện về quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm phải được nâng lên mức 60%.

EVFTA tăng áp lực cạnh tranh lên nhóm hàng có lợi thế
EVFTA tăng áp lực cạnh tranh lên nhóm hàng có lợi thế

Nâng cao năng lực cạnh tranh và liên kết, hợp tác được xem là giải pháp để các doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại. Đây cũng là khoảng thời gian nước rút để các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu để có phương án tận dụng cơ hội từ hiệp định một cách hiệu quả nhất.

Theo Bản tin Thời sự 18h30