Gặp gỡ những gương mặt thân quen của chuyên mục "Hạt giống đỏ trên non"

21:54 - 20/06/2021

(TTV) - Năm 2003, Chương trình tiếng Mông đầu tiên được thực hiện đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đem ánh sáng văn hoá đến với đồng bào dân tộc, xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ. Để có được những chương trình như vậy, không thể không kể đến nhóm phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Mông hiện đang công tác tại Phòng Tiếng Dân tộc – Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

 

biên tập viên
Biên tập viên Lâu Xúa Là Biên tập viên đầu tiên thực hiện chương trình tiếng Mông của Đài PT –TH Thanh Hóa

Là biên tập viên đầu tiên thực hiện chương trình tiếng Mông của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa - Biên tập viên Lâu Xúa đã có gần 20 năm công tác trong nghề. Với chị, làm chương trình phát thanh và truyền hình Tiếng dân tộc không hề đơn giản. Bởi, đồng bào Mông sống ở nhiều xã thuộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, người biết nghe tiếng phổ thông chưa nhiều, nên việc tiếp nhận thông tin, hưởng thụ văn hóa, văn nghệ bị hạn chế. Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ánh sáng văn hoá đến với đồng bào, hàng ngày, hàng tuần, hàng năm, nhóm phải thực hiện tốt công tác biên dịch, đó là phải dịch đúng, ngắn gọn những tin, bài mà Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình đã duyệt để phát lên sóng phát thanh và truyền hình giúp đồng bào hiểu và dễ thực hiện.

Để duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng các chương trình, thu hút đông đảo khán thính giả nghe và xem truyền hình, thời gian qua, nhóm phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Mông đã đổi mới các chuyên mục, chuyên đề, xây dựng kết cấu chương trình phong phú, gọn nhẹ, phù hợp với nhận thức của đồng bào vùng cao. Mỗi phát thanh viên, biên tập viên cũng luôn trau dồi vốn tiếng dân tộc của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của người làm truyền hình hiện đại.

Phóng viên Phòng Tiếng Dân tộc tác nghiệp tại cơ sở.
Phóng viên Phòng Tiếng Dân tộc tác nghiệp tại cơ sở.

Ngoài việc biên tập tiếng Mông, họ cũng thường xuyên đi cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vừa viết tin bài, tổ chức thu thanh, ghi hình và sưu tầm những bài hát, điệu múa của dân tộc vừa lắng nghe tâm tư, mong muốn của bà con để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của đồng bào vùng cao. Biết tiếng dân tộc, nên đến đâu, bà con cũng quý. Nhiều khi nhận phản hồi của người dân, chỉ nghe vài tiếng là họ nhận ra đấy là giọng của phát thanh viên nào ngay, đó là sự động viên để những biên tập viên tiếng Mông tiếp tục cống hiến cho khán, thính giả những chương trình chất lượng hơn nữa.

BTV Thao Dính- Phòng Tiếng Dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.
BTV Thao Dính- Phòng Tiếng Dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Cùng với sự phát triển, đổi mới theo yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, hiện nay, các phát thanh viên, biên dịch viên tiếng Mông đã nâng cao về chất lượng, thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Mông. Ngoài phát sóng tại đài địa phương, mỗi tháng chương trình tiếng Mông, Đài Phát thanh và Truyền hìnhThanh Hóa còn gửi cộng tác từ 3 đến 4 chương trình truyền hình, thời lượng mỗi chương trình 30 phút về Ban Truyền hình Tiếng dân tộc VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Hiện nay, toàn thể đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng dân tộc, trong đó có nhóm thực hiện chương trình tiếng Mông của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đang ra sức học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đưa chương trình phát thanh và truyền hình Tiếng dân tộc ngày càng phát triển, hiệu quả và trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

Hà Hồng – Thanh Tùng/Chuyên mục Hạt giống đỏ trên non - TTV