Gia tăng các vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản

03:56 - 15/03/2019

(TTV) - Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng tại Việt Nam liên tục ghi nhận các vụ việc lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản với những chiêu thức ngày một tinh vi hơn. Trong đó, việc lừa đảo chuyển tiền bằng hình thức mạo danh trên internet và gắn đường link mã độc để đánh cắp thông tin về tài khoản ngân hàng được đánh giá là những thủ đoạn khó đối phó nhất hiện nay.

Chỉ tính riêng trong năm 2018 và đầu năm 2019, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 18 đơn tố cáo lừa đảo trực tuyến với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng; trong đó, hơn 50% số vụ nạn nhân bị lừa sau khi nhận được 1 cuộc điện thoại xưng danh là cán bộ công an, viện kiểm sát hay tòa án, yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đến 1 tài khoản định trước hoặc khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra, do bị nghi ngờ dính líu đến tổ chức tội phạm nguy hiểm. Tâm lý lo sợ đã khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy.

Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa: Chúng tôi khẳng định là không có 1 cơ quan tư pháp hay lực lượng điều tra nào tiếp cận với đối tượng tình nghi theo cách gọi điện thoại hay liên lạc qua facebook, zalo. Theo quy định của nhà nước, chúng tôi phải gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập trực tiếp cho đối tượng hoặc thông qua công an phường, xã. Vậy nên tất cả các cuộc gọi có nội dung như trên đều là giả mạo.

Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa: Chúng tôi khẳng định là không có 1 cơ quan tư pháp hay lực lượng điều tra nào tiếp cận với đối tượng tình nghi theo cách gọi điện thoại hay liên lạc qua facebook, zalo. Theo quy định của nhà nước, chúng tôi phải gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập trực tiếp cho đối tượng hoặc thông qua công an phường, xã. Vậy nên tất cả các cuộc gọi có nội dung như trên đều là giả mạo.

Không chỉ dừng lại ở việc lừa đảo chuyển tiền, các đối tượng phạm pháp còn có thể đánh cắp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại chỉ qua 1 cú điện thoại mạo danh cán bộ ngân hàng cần cập nhật hệ thống hay 1 đường link có gắn mã độc. Những đường link này được ngụy tạo giống hệt trang chủ của những tổ chức thanh toán trực tuyến uy tín như western union, paypal hoặc trang web của ngân hàng, khiến người dùng “vô tư” nhập toàn bộ thông tin cá nhân, kể cả mật mã giao dịch OTP do ngân hàng cung cấp mà không hề biết mình đang “tiếp tay” cho đối tượng lừa đảo.

Bà Phạm Anh Vân, Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa: Theo quy định, cán bộ ngân hàng không được phép hỏi khách hàng về các thông tin về mật khẩu, mã pin thẻ, mã OTP. Do đó, khách hàng tuyệt đối không được cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào cho người khác, kể cả trong trường hợp tự xưng là cán bộ ngân hàng.

Bà Phạm Anh Vân, Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa: Theo quy định, cán bộ ngân hàng không được phép hỏi khách hàng về các thông tin về mật khẩu, mã pin thẻ, mã OTP. Do đó, khách hàng tuyệt đối không được cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật nào cho người khác, kể cả trong trường hợp tự xưng là cán bộ ngân hàng.

Với dịch vụ Chuyển tiền nhanh, các ngân hàng cho biết, chỉ cần khách hàng nhập đúng mã bảo mật OTP do ngân hàng cung cấp thì giao dịch chuyển tiền được hệ thống xác định thành công ngay lập tức. Do vậy, khi người dùng phát hiện ra mình bị lừa thì đều đã muộn, tiền đã được chuyển đi, thậm chí được rút ra từ tài khoản ở nước ngoài khiến việc đòi lại số tiền bị mất là vô cùng khó khăn.

Cơ quan chức năng và tổ chức ngân hàng khuyến cáo: cách tốt nhất để đối phó với tình trạng lừa đảo, đánh cắp thông tin ngân hàng trực tuyến là người dân tuyệt đối không cung cấp mật khẩu đăng nhập, câu hỏi bí mật và mã bảo mật giao dịch cho bất kỳ ai khác hay đăng tải lên bất kỳ một trang web nào khác ngoài trang chủ của ngân hàng. Mọi giao dịch tài chính chỉ được thực hiện sau khi đã có xác nhận bằng điện thoại hay trao đổi trực tiếp với đối tượng mình quen biết./.

Tuyết Hạnh – Thanh Tùng