Giai đoạn 2012 – 2018, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi cao gấp 1,7 lần bình quân toàn tỉnh

19:28 - 18/04/2019

(TTV) - Chiều ngày 18/4, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Sỹ Diến – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với đại diện Ban Dân tộc và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012 – 2018.

 

Giai đoạn 2012 – 2018, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi của Thanh Hóa luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người tăng 13,1 triệu đồng so với giai đoạn 2001 – 2005. Đến nay, huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 17,4% số xã và 8,12% số thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo khu vực miền núi vẫn còn nhiều tồn tại: nguồn vốn 135 phân bổ hằng năm hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Trong đó có một số định mức không còn phù hợp với thực tế; việc hỗ trợ giống cây, con cho người dân chưa gắn với tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, tâm lý thiếu chủ động của người dân trong tìm giải pháp vươn lên thoát nghèo, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa chặt chẽ cũng làm giảm hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mai Sỹ Diến – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban Dân tộc, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn trong công tác giảm nghèo khu vực miền núi, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, từng bước xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào chính sách nhà nước; làm tốt công tác đào tạo nghề, thu hút doanh nghiệp để giải quyết việc làm; nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các chính sách hỗ trợ các địa phương mới thoát nghèo; phối hợp với các tổ chức tín dụng nâng nguồn vốn và hạn mức cho vay dựa trên tính khả thi của chương trình phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù cho khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Những kiến nghị, đề xuất của địa phương sẽ được đoàn giám sát tổng hợp, phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Tuyết Hạnh – Đăng Tuyển