Giải đua xe F1: Niềm đam mê tốc độ bất tận

17:43 - 11/10/2018

Giải đua xe F1 có thể tổ chức ở Việt Nam vào năm 2020. Đây là môn thể thao thu hút nhiều người theo dõi, nhưng rất tốn kém.

Hà Nội có thể tổ chức giải đua xe F1

Ngày 27/4/2018, tờ Sport Business đưa tin, Ban tổ chức giải đua xe F1 xác nhận đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam để tổ chức cuộc đua trên đường phố tại Hà Nội. Việc bổ sung Việt Nam vào danh sách địa điểm đăng cai sẽ củng cố vị trí của môn thể thao tại châu Á, sau khi Malaysia tổ chức giải đua cuối cùng vào mùa trước.

Hà Nội có thể tổ chức giải đua xe F1 vào năm 2020 (Ảnh: Getty Images).
Hà Nội có thể tổ chức giải đua xe F1 vào năm 2020 (Ảnh: Getty Images).

Theo Reuters ngày 4/6, Giám đốc điều hành giải đua xe F1 - Chase Carey cho biết rất hào hứng trước khả năng cuộc đua sẽ xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2020, như một phần của sự mở rộng ở châu Á, nhưng châu Âu vẫn là nền tảng của môn thể thao này.

“Việt Nam là đất nước thú vị. Một đất nước đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới và xét về nhiều mặt, đó là nơi chúng tôi muốn đến” - Carey phát biểu tại hội nghị thể thao ở Manila ngày 4/6 do Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) tổ chức.

Ngày 30/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời với báo giới về đề xuất của Hà Nội đăng cai tổ chức giải đua xe F1. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Đầu tiên thành phố Hà Nội đưa ra phương án tổ chức đua tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường gần đó. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của các bộ và tính toán thì không đạt yêu cầu và chi phí rất lớn.

Sau đó, Hà Nội báo cáo phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn. Tinh thần là chúng ta xã hội hóa toàn bộ, không dùng ngân sách”.

Môn thể thao tốc độ và tốn kém

Giải đua xe F1 (Formula One - F1) có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu diễn ra vào những năm 1920 và 1930. Năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn đua xe thế giới (FIA). Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1950 tại Silverstone (Anh).

Trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua xe F1 năm 2018, châu Á có 5 nước là Bahrain, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và UAE. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức giải đua này.

Hiện tại, sau chặng đua Japanese Grand Prix (Nhật Bản) diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua, Lewis Hamilton của đội Mercedes đang dẫn đầu với 331 điểm sau 17 chặng đua. Sebastian Vettel (Ferrari) đứng thứ 2 với 264 điểm, trong khi Valtteri Bottas (Mercedes) đứng thứ ba, với 207 điểm.

Hình ảnh chặng đua Japanese Grand Prix (Nhật Bản) diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua (Ảnh: Getty Images).
Hình ảnh chặng đua Japanese Grand Prix (Nhật Bản) diễn ra vào ngày 7/10 vừa qua (Ảnh: Getty Images).

Giải đua xe F1 là môn thể thao tốc độ vì những chiếc xe đua F1 là một trong những chiếc xe chạy nhanh nhất thế giới. Theo đó, tốc độ tối đa của những chiếc xe này có thể lên đến 350 km/h.

Môn thể thao này thu hút được lượng lớn người xem trực tiếp và theo dõi qua truyền hình. Theo thống kê của ban tổ chức, năm 2016 có đến 425 triệu người xem giải đua này qua truyền hình.

Mặc dù thu hút được lượng lớn khán giả, nhưng giải đua xe F1 lại rất tốn kém. Theo Raconteur kinh phí để xây dựng một trường đua lên tới 270 triệu USD. Ngoài ra, kinh phí đăng cai hàng năm cũng không hề rẻ, khi phải tiêu tốn khoảng 50 đến 60 triệu USD.

Theo bảng thống kê chi tiết của Formula Money về kinh phí tổ chức chặng đua thì tốn 16 triệu USD để trả lương nhân sự và chi phí marketing, tổ chức. Một chặng đua cần 600 nhân viên để vận hành, chưa kể 120 lính cứu hỏa và 550 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia là 2 nước đã tổ chức giải đua xe F1. Nếu như Singapore vẫn tiếp tục đứng ra tổ chức ở mùa giải 2018 thì sau 19 mùa giải (1999 đến 2017), Malaysia đã rút lui. Nguyên nhân là chi phí tổ chức quá cao, trong khi đó doanh số bán vé và sức hút từ du lịch giảm. Do đó, đây cũng là bài toán mà các nhà chức trách cần lưu ý, khi đưa giải đua xe F1 về Việt Nam.

Theo PV/VOV.VN