Giải pháp bình ổn giá thịt lợn đã phát huy tác dụng

17:46 - 10/02/2021

Giá lợn hơi không tăng đột biến vào dịp nguyên đán Tân Sửu 2021 bởi với tổng đàn lợn trên 27,3 triệu con hiện nay về cơ bản là chủ động được thực phẩm dịp Tết.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp tăng đàn, tái đàn, nhập khẩu thịt lợn và lợn sống từ Thái Lan đã góp phần giảm giá lợn hơi trong nước vào cuối quý III, đầu quý IV năm 2020 và ổn định được nguồn cung trong tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, giá lợn hơi không tăng đột biến vào dịp nguyên đán Tân Sửu 2021 bởi với tổng đàn lợn trên 27,3 triệu con hiện nay về cơ bản là chủ động được thực phẩm dịp Tết.

So với trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn cả nước đã phục hồi được hơn 88%. Theo kết quả rà soát của Cục Chăn nuôi, tại nhiều vùng chăn nuôi lớn, giá lợn ở một số nơi dao động ở mức cao từ 83.000 - 87.000 đồng/kg, nguyên nhân là do lợn mua đi bán lại qua nhiều khâu trung gian, còn giá lợn xuất chuồng ở 3 miền trên cả nước chỉ dao động ở mức từ 78.000 - 82.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương để bình ổn giá thực phẩm: "Việc này không phải riêng ngành nông nghiệp chắc chắn phải có sự phối hợp của ngành Công thương rất sát sao về vấn đề này. Bởi ngành nông nghiệp phải sản xuất thật nhiều nguồn cung còn khi ra thị trường giá biến động thì cũng có vai trò của ngành Công thương.

Vì vậy, ngoài việc tăng cường chỉ đạo tái đàn để mở rộng đàn, mở rộng quy mô sản xuất đồng thời cũng phải cung cấp thông tin cho người chăn nuôi, người tiêu dùng  nắm được thông tin cung cầu đang diễn ra như thế nào, cùng với đó ngành công thương quan tâm hơn nữa về chính sách bình ổn giá, dự trữ nguồn cung thịt lợn, lợn thịt thì sẽ kiểm soát tốt hơn về giá thực phẩm".

Theo Minh Long/VOV1