Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng

15:58 - 10/09/2021

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2021 có nhiều đề xuất chính sách, giải pháp, định hướng chuyển đổi cho giáo dục đại học trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Nam
 
Trong 2 ngày 9-10/9, Mạng lưới giáo dục EduNet thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và Tạp chí Giáo dục tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ hai dưới hình thức trực tuyến với chủ đề "Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng".

Diễn đàn được kỳ vọng mở ra một không gian học thuật cho những nghiên cứu khủng hoảng, thảo luận về khả năng thích ứng cũng như đề xuất chính sách, giải pháp hay định hướng chuyển đổi cho giáo dục đại học.

Tại Diễn đàn, có 9 chủ đề được lựa chọn thảo luận, đó là: Công nghệ và công nghệ hóa giáo dục đại học; Quản trị và quản lý đại học; Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Hoạt động dạy và học ở bậc đại học; Chính sách giáo dục đại học; Giáo dục đại học và các mục tiêu phát triển bền vững; Triết lý giáo dục đại học; Đào tạo giáo viên và phát triển đội ngũ giáo viên; Quốc tế hóa giáo dục đại học.

Diễn đàn năm nay có 5 diễn giả khách mời đến từ các quốc gia như Anh, Italy, Mỹ, Australia - đều là những giáo sư có uy tín, sử dụng chuyên môn của mình để phân tích nền giáo dục đại học quốc tế nói chung và đối chiếu với nền giáo dục đại học Việt Nam trong bức tranh quốc tế ở các bình diện quốc tế hóa, chính sách, quản trị, chính trị học. 

Những thách thức chưa từng có

Chia sẻ những kinh nghiệm tại Pháp, châu Âu trong vấn đề chuyển đổi, thích ứng và cải cách của các trường, của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến căng thẳng, TS. Nguyễn Thụy Phương, chủ tọa Diễn đàn, sáng lập viên Mạng lưới giáo dục EduNet, giảng viên Đại học Paris cho rằng, nhìn toàn cảnh và vĩ mô, các cơ sở đại học của các quốc gia đều thích ứng nhanh: Giảng đường đóng cửa nên giảng viên và sinh viên gặp nhau trên các ứng dụng học trực tuyến; nhân viên hành chính và lãnh đạo các trường đại học quản lý và quản trị trên các loại ứng dụng; việc trao đổi và đón tiếp sinh viên ngoại quốc giảm đột ngột, nghiên cứu thực địa cũng ngưng lại… Tuy nhiên, theo bà Phương, điều đáng lo ngại ở trung và dài hạn là chất lượng đào tạo cho sinh viên vì việc đi thực tập, nghiên cứu đều trở nên khó khăn, việc thi cử cũng không diễn ra như thông lệ.

Còn bà Phan Lê Hà đến từ Đại học Brunei Darussalam và Đại học Hawaii đưa ra thảo luận tại Diễn đàn về một số hiện tượng mới nổi được thiết lập trong giáo dục đại học của châu Á, bao gồm cơ sở vật chất giáo dục ngày càng tăng, quốc tế hóa, việc quảng bá tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy và sự tham gia tích cực của các trường đại học châu Á vào xếp hạng đại học toàn cầu.

Dựa trên những hiểu biết phong phú thu được từ các bối cảnh giáo dục đại học khác nhau ở một số quốc gia ASEAN, bà Hà cho rằng đại dịch đã mang lại những thách thức, triển vọng, tình huống khó xử, những cơ hội mời gọi và buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về giáo dục đại học trong khu vực cũng như xem xét lại những ý nghĩa và thực tiễn thống trị hiện tại gắn liền với những hiện tượng này.

Ông Simon Marginson đến từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh nhận định rằng, giáo dục đại học đang phát triển một cách sâu rộng ở nhiều quốc gia, không chỉ các quốc gia phát triển mà cả những quốc gia đang phát triển. Chính vì vậy, để phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam một cách tốt nhất thì nên có một chiến lược phát triển các trường đại học, sử dụng các tiêu chuẩn so sánh rộng hơn theo hệ thống quốc tế - các hệ thống được sử dụng để đánh giá và xếp hạng các trường đại học.

Theo Baochinhphu.vn