Giáo dục STEM tạo ra sản phẩm ứng dụng sáng tạo thiết thực

14:29 - 04/12/2020

STEM là tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực Khoa học – Công nghệ - Kĩ thuật – Toán. Giáo dục STEM đã góp phần thay đổi tư duy của người dạy và người học. Từ đây, một "sân chơi" mới cho học sinh ra đời và ngày càng phát triển.

Hiện nay tại các trường học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, giáo dục STEM không chỉ được nhắc đến như những nội dung, phương pháp học tập tốt, những trải nghiệm thú vị hay sản phẩm học tập có ý nghĩa mà đã thực sự trở thành niềm đam mê học tập và khám phá ở các em học sinh; thành nhiệt huyết dạy học và cống hiến của các thầy giáo, cô giáo; thành động lực để đổi mới và phát triển đối với các nhà quản lý, tạo ra thái độ tích cực từ phía cha mẹ học sinh và các thành phần tham gia giáo dục.

Tại trường THCS Minh Khai, CLB STEM được xem là một thế mạnh của nhà trường và cũng là sân chơi để học sinh vừa học, vừa tạo các sản phẩm nghiên cứu khoa học với tính ứng dụng thực tế cao. Trường đã dành thư viện để tạo mặt bằng riêng cho các bạn làm việc nhóm, sáng chế vật dụng, máy móc. 

Hai bạn học sinh Thảo Nguyên và Gia Linh trường THCS Minh Khai đang thực hành sản phẩm “Chế phẩm tăng hiệu quả phân bón lá ứng dụng công nghệ bức xạ” do các bạn sáng tạo ra.
Hai bạn học sinh Thảo Nguyên và Gia Linh trường THCS Minh Khai đang thực hành sản phẩm “Chế phẩm tăng hiệu quả phân bón lá ứng dụng công nghệ bức xạ” do các bạn sáng tạo ra.

Ông Hà Minh Tuấn, cố vấn CLB STEM trường THCS Minh Khai chia sẻ: “Đã gần 10 năm nhà trường triển khai hoạt động STEM. Những ngày đầu chưa định hình tên gọi chính thức nhưng về cơ bản hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã nhen nhóm trong giáo viên và học sinh. Lúc đó, sản phẩm ra đời chỉ phục vụ chủ yếu cho công tác học tập với các dụng cụ như đèn chiếu, sản phẩm dùng cho học sinh khi mất điện… Dần dần, mỗi bước đi đã có sự thay đổi rõ rệt khi STEM được công nhận là một trong những nội dung trong chương trình giáo mới bây giờ.

Dựa trên quá trình phát triển STEM và các CLB khác, nhà trường có thể lựa chọn các học sinh ưu tú và các ý tưởng về sản phẩm mà các cháu đưa ra, sau đó bồi dưỡng, hướng dẫn, nghiên cứu hỗ trợ để tạo nên sản phẩm.

Có mặt trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp Quận năm học 2020-2021, hai bạn học sinh Thảo Nguyên và Gia Linh trường THCS Minh Khai đã đưa tới sản phẩm “Chế phẩm tăng hiệu quả phân bón lá ứng dụng công nghệ bức xạ”, với công dụng: Tăng độ loang trải, thấm ướt, rải đều trên mặt lá khắc phục hiện tượng nước phun co cụm thành giọt đọng trên lá, trên hoa quả, bám dính tốt của phân bón lá vào các bộ phận trên mặt đất của cây như lá, hoa, thân... Nâng cao hiệu lực, hạn chế rửa trôi và kéo dài thời gian tác dụng của phân bón lá cho cây trồng, giúp giảm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về sản phẩm STEM của mình, bạn Gia Linh cho biết: Ý tưởng của chúng em được hình thành từ những việc nhỏ như tưới rau, trồng vườn, bắt sâu, bón phân…với mong muốn bằng cách nào đó có thể giúp cây trồng được tốt hơn. Từ đấy, chúng em bắt đầu nghiên cứu để tạo ra được sản phẩm phù hợp nhất vừa tiện lợi, vừa hữu ích và vừa tiết kiệm chi phí. 

Đó còn là sản phẩm “Máy đo phóng xạ cầm tay” của bạn Nguyễn Văn Phong và Phạm Văn Duy (Lớp 9A6, trường THCS Minh Khai). Sản phẩm dành được giải 3 cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố năm học 2017-2018. Ý tưởng được nhen nhóm trong một lần tới Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tham quan, hai bạn học sinh lớp 9 đặt ra các câu hỏi thắc mắc “liệu có hiện tưởng rò rỉ phóng xạ không? Làm thế nào để nhận biết một đồ vật nào đó nhiễm phóng xạ…?” Từ ý tưởng sơ khai, thầy và trò trường Minh Khai bắt tay vào tìm hiểu và cho ra sản phẩm này. 

Máy đo phóng xạ cầm tay 2 bạn Nguyễn Văn Phong và Phạm Văn Duy dành được giải 3 cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố năm học 2017-2018.
Máy đo phóng xạ cầm tay 2 bạn Nguyễn Văn Phong và Phạm Văn Duy dành được giải 3 cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố năm học 2017-2018.

Ông Nguyễn Kế Anh, Giáo viên hướng dẫn đề tài máy đo phóng xạ cầm tay chia sẻ: “Thực ra sản phẩm này đã được gửi dự thi cấp Quận, tuy nhiên vẫn còn hạn chế ở một số mặt nên chỉ dừng lại ở vòng này. Không dừng lại ở đó, các bạn vẫn quyết tâm cải tiến chức năng cho máy.  Nhận thấy được tâm huyết của các bạn, thầy cô quyết định tiếp tục phát triển sản phẩm đến khi có sự hoàn thiện hơn. Nếu như năm đầu ra mắt, thiết bị còn rất thô sơ, khi đưa vào vùng có phóng xạ thì sản phẩm này sẽ phát ra tiếng kêu. Sau khi cải tiến, máy đo này đã có thêm màn hình hiển thị và âm thanh phát ra lớn dần tỷ lệ thuận với lượng phóng xạ tiếp xúc”.

Hay sản phẩm máy lọc nước cầm tay. Thiết bị này cũng giành giải 3 cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật cấp Thành phố năm học 2017-2018. Tính ưu việt được thể hiện ở khả năng lọc nước tại chỗ kết hợp với công nghệ Nano bạc. Nước khi đã qua giai đoạn lọc có thể sử dụng ngay cho tắm giặt hay đun sôi để uống.

Qua sự phát triển CLB STEM của trường, cùng các sản phẩm đã được công nhận có thể thấy rằng thực ra STEM không phải cái gì đó quá xa lạ, bởi nó gắn liền với đời sống hằng ngày, sử dụng các kiến thức đã học để đưa vào thực tế. Không những vậy STEM còn là con đường giúp học sinh thể hiện tình yêu khoa học và lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn với định hướng chuẩn xác hơn.

Nguyễn Hà/VOV.VN