Gương thương binh "tàn nhưng không phế"

08:13 - 11/07/2018

(TTV) - Trở về sau chiến tranh khi đã để lại một phần cơ thể ở chiến trường hoặc mang theo những thương tật suốt đời, nhưng những người thương binh, người lính bộ đội cụ Hồ năm nào vẫn vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, trở thành tấm gương cho gia đình và cộng đồng noi theo. Cựu chiến binh Cao Sỹ Ngơi ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn là một trong những tấm gương như thế.

https://www.youtube.com/watch?v=JTD7TNqg5Vo&feature=youtu.be

 

Cơ sở sản xuất nước mắm của  Cựu chiến binh Cao Sỹ Ngơi ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn
Cơ sở sản xuất nước mắm của cựu chiến binh Cao Sỹ Ngơi ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn

6 năm chiến đấu ở chiến trường miền Trung khốc liệt,ông Cao Sỹ Ngơi một chiến sỹ đặc công nước trở về quê hương với những vết thương nghiêm trọng như dập phổi, đạn ghim trong não và nhiễm chất độc hóa học. Sức khỏe sa sút trầm trọng, cuộc sống gia đình khó khăn, thế nhưng, khắc ghi lời Bác dạy: là thương binh, dù thân thể không còn lành lặn nhưng tùy theo sức của mình để vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống, thương binh Cao Sỹ Ngơi đã chuyển hướng sang ngành nghề chế biến thủy hải sản thay vì đánh bắt truyền thống. Từ một cửa hiệu nhỏ, đến nay, cơ sở chế biến hải sản của ông bán ra thị trường hơn 30.000 lít nước mắm và các sản phẩm mắm tôm, mắm tép mỗi năm, mang lại lợi nhuận  từ 250 triệu đến 350 triệu đồng và góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Thương binh Cao Sỹ Ngơi, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn: Điều duy nhất chúng tôi có là ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ, không ngại khó, không ngại khổ, không điều gì có thể khuất phục được chúng tôi.
Thương binh Cao Sỹ Ngơi, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn: Điều duy nhất chúng tôi có là ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ, không ngại khó, không ngại khổ, không điều gì có thể khuất phục được chúng tôi.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, ông Cao Sỹ Ngơi còn được người dân trong vùng biết đến như một người có niềm đam mê với cây cảnh và cống hiến hết mình cho các hoạt động cộng đồng. Với cương vị là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thành phố, ông đã chỉ đạo Hội mở rộng 20 vườn sinh vật cảnh với giá trị hàng chục tỉ đồng, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bản thân ông luôn tích cực tham gia công tác chính sách xã hội, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, vận động quyên góp xây nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng.

Năm tháng qua đi, người lính đặc công nước Cao Sỹ Ngơi vẫn phải sống chung với những cơn đau mỗi lúc trái gió trở trời. Thế nhưng bước chân người lính ấy chưa bao giờ ngơi nghỉ trên con đường phấn đấu sống vui, sống khỏe và sống có ích, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”./.

https://www.youtube.com/watch?v=rjJ7eL21RUc

Tuyết Hạnh – Cao Tùng