Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục ô nhiễm không khí nghiêm trọng

10:37 - 15/01/2021

Chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Hà Nội lại ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Sáng 15/1, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ lên ngưỡng xấu và rất xấu, dự báo sẽ kéo dài vài ngày tới, tác động xấu đến sức khỏe tất cả mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Theo kết quả của hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tất cả các điểm quan trắc đều lên ngưỡng xấu với chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-160. 

Điểm đo tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận chất lượng không khí lên ngưỡng xấu với khuyến cáo những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên,…với chỉ số AQI có nơi trên 400 ở ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài liên tục và ngày càng nghiêm trọng cho đến khi nước ta đón một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về vào khoảng ngày 17/1.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm

Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm này, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời điểm không khí lạnh suy yếu như hiện nay thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến cho chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao mà đọng lại ở bề mặt, làm nồng độ chất ô nhiễm tăng cao.

Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa. Với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh khu vực phía Bắc. 

Tổng cục Môi trường cho biết, từ nay đến hết mùa đông, một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hoạt động phát thải từ nhiều nguồn như giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh, trong điều kiện khí tượng không thuận lợi là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), phương tiện giao thông cơ giới phát thải khí ô nhiễm chủ yếu là ô tô, xe máy. Cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng. Việt Nam đã có quy định niên hạn sử dụng với ô tô tải (25 năm từ ngày sản xuất) và ô tô khách (20 năm). Khi xe hết niên hạn cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy đăng ký và loại bỏ. Với ô tô cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) và xe còn thời hạn lưu hành được kiểm định định kỳ, trong đó có tiêu chuẩn khí thải.

Riêng với xe máy, theo Cục Đăng kiểm, hiện Việt Nam đang thiếu quy định niên hạn sử dụng, cũng không yêu cầu kiểm tra định kỳ. Chỉ quy định xe máy mới bán ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Về kiểm soát khí thải xe máy, Bộ GTVT nhìn nhận, do luật hiện hành thiếu quy định, nên khí thải xe máy đã ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm không khí và an toàn giao thông. Do đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã bổ sung quy định: Mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.

Bộ trưởng bộ TNMT - Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là các phương tiện giao thông tăng chóng mặt, bên cạnh đó là các hoạt động xây dựng, hoạt động phát triển công nghiệp, đốt các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là bụi mịn, trong thời gian tới cần thống kê được nguồn phác thải, đưa ra quy chuẩn môi trường của các phương tiện giao thông. Từ đó hướng đến các phương tiện giao thông phải đảm bảo tiêu chuẩn được nâng lên. Thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường không khí từ đó cho phép lưu hành hay cấm..."

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn. Theo đó, công văn cho rằng, dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí.

Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Tổng cục Môi trường kiểm tra công tác vận hành và công bố số liệu quan trắc của các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá tính hiệu quả các mô hình hạn chế đốt rơm rạ đã thực hiện, nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố giao Sở TT&TT định hướng, quán triệt các cơ quan truyền thông sử dụng nguồn dữ liệu chính thống từ Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội để công bố thông tin chỉ số chất lượng quan trắc không khí hàng ngày; dữ liệu từ các tổ chức Pamair và Airvisual chỉ có tính chất tham khảo, chưa đủ cơ sở để công bố tới cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở TN&MT đưa tin chỉ số chất lượng không khí trên các bản tin vào khung giờ đầu giờ sáng, trưa, tối trong các ngày chất lượng không khí ở mức xấu có hại tới sức khỏe, để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa tác động của ô nhiễm không khí.

Công an thành phố tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel; không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.

Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè.

Sở Y tế phối hợp Sở TN&MT xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức rất xấu, nguy hại để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp MTTQ thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong vác dịp lễ tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

UBND các quận, huyện thị xã phải tập trung, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu như loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố; từ 6/1/2021, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ; tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng.

Theo Văn Ngân/VOV.VN