Hai nhóm người này nhất thiết phải khám phát hiện sớm ung thư phổi

14:59 - 14/07/2020

Ung thư phổi phát triển âm thầm, các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Bệnh nhân thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tiên lượng bệnh rất dè dặt.

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong và mắc mới hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 23.667 ca mắc mới và 20.701 bệnh nhân tử vong mỗi năm, đứng vị trí thứ 2 chỉ sau ung thư gan.

Sàng lọc ung thư phổi là kiểm tra, phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng. Việc sàng lọc có thể giúp phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn sớm từ đó giúp tăng khả năng điều trị bệnh tốt hơn. Việc phát hiện sớm ung thư phổi giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, tăng thời gian sống thêm và giảm chi phí y tế cho bệnh nhân.

Ung thư phổi được xếp vào loại ung thư khó phát hiện sớm. Dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, song tiên lượng bệnh vẫn còn dè dặt. Tiền sử bệnh, thể trạng, loại mô học ung thư phổi, giai đoạn, phương pháp và phản ứng với điều trị là các tác nhân đóng vai trò tiên lượng trong bệnh lý ác tính này.

 

Hai nhóm người này nhất thiết phải khám phát hiện sớm ung thư phổi - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Những ai nên sàng lọc ung thư phổi?

Theo BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung Tâm Y Học Hạt Nhân và Ung Bướu, Bệnh Viện Bạch Mai (Hà Nội), việc sàng lọc được chỉ định cho những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao, bao gồm:

Nhóm 1:

Tuổi: 55-74 tuổi có tiền sử hút thuốc từ trên 30 bao/năm, có thể hiện tại vẫn tiếp tục hút hoặc người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua.

Nhóm 2:

Tuổi ≥ 50, có hút thuốc trên 20 bao/năm và có một trong các yếu tố nguy cơ như: tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi, bệnh nhân mắc các bệnh phổi trước đó như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao…, bệnh nhân đang mắc một bệnh ung thư, phơi nhiễm yếu tố nguy cơ ung thư phổi nhưng không phải hút thuốc lá thụ động.

Một số nghiên cứu gần đây trên nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá cho thấy yếu tố ô nhiễm không khí cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Sàng lọc ung thư phổi bằng cách nào?

Chụp CT scan ngực liều thấp là thăm dò giúp sàng lọc ung thư phổi được khuyến cáo. Thăm dò này được thực hiện với một máy quét tia X sử dụng liều xạ thấp để tạo nên hình ảnh chi tiết về phổi của bạn.

Những xét nghiệm khác như X-quang ngực thẳng, xét nghiệm đàm hay chụp PET/CT không cho thấy lợi ích dựa trên những bằng chứng hiện tại trong sàng lọc ung thư phổi.

Sàng lọc ung thư phổi như thế nào?

Khi bạn có nhu cầu sàng lọc ung thư phổi, bác sẽ khám, khai thác tiền sử, bệnh sử và các yếu tố nguy cơ của bạn từ đó sẽ đưa ra các tư vấn sàng lọc bệnh ung thư cụ thể cho từng đối tượng. Với ung thư phổi để sàng lọc, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn chụp CT scan ngực liều thấp. Việc chụp này khá đơn giản và là một thăm dò không xâm lấn và bạn có thể ra về ngay sau đó.

Để chuẩn bị cho chụp CT scan ngực liều thấp bạn nên:

- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn mới bị nhiễm trùng đường hô hấp. Lý do vì nếu bạn đang hoặc gần đây có viêm đường hô hấp việc chụp CT scan ngực liều thấp có thể gây ra các hình ảnh dương tính giả.

- Loại bỏ bất kỳ vật kim loại gì bạn mang trên người

Nếu chưa phát hiện bất thường, bạn nên thực hiện tiếp việc sàng lọc sau đó một năm.

Hà An/ Dân trí