Hàm Rồng - Núi Đọ - Trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái của đô thị Thanh Hóa

Hàm Rồng không chỉ là địa danh lịch sử ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc đối đầu với không lực Hoa Kỳ cách đây gần 60 năm mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa được bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày nay, những giá trị đó được xác định là một nguồn lực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ được xác định là hạt nhân để xây dựng trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố Thanh Hóa phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa. Nơi đây tích hợp nhiều giá trị, vỉa tầng văn hóa được các thế hệ người Việt sản sinh, bồi đắp và tô thắm qua hàng nghìn năm lịch sử. Nếu như di tích núi Đọ, thuộc địa phận xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Vân, phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa được xem là một trong những cái nôi của người Việt cổ thì khu vực Hàm Rồng lại là nơi lưu dấu nhiều giá trị vật thể, phi vật thể của nền văn hóa Đông Sơn - đỉnh cao rực rỡ của văn hóa – văn minh Việt cổ. 

Hàm Rồng - Núi Đọ - Trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái của đô thị Thanh Hóa - Ảnh 2.

Đến thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hàm Rồng trở thành "điểm hẹn lịch sử", là nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ mà đỉnh cao là chiến thắng ngày 3,4/4/1965. Hàm Rồng – Núi Đọ như một "bảo tàng" khổng lồ, gìn giữ nhiều giá trị quý báu về lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hàm Rồng - Núi Đọ - Trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái của đô thị Thanh Hóa - Ảnh 1.

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. Năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ. Và trong Quy hoạch của Chính phủ lần này, Hàm Rồng – Núi Đọ được xác định là một trong 6 trong tâm tích hợp của đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của danh thắng, di tích Hàm Rồng – Núi Đọ đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.

Với người dân thành phố Thanh Hóa, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hàm Rồng, hoặc đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, họ luôn mong đợi sự khởi sắc vươn lên của vùng đất từng hứng chịu mưa bom bão đạn của kẻ thù, vùng đất giầu trầm tích văn hóa lịch sử này.

Ông Lê Xuân Giang, Chiến sỹ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, giai đoạn 1965-1975

Theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, gắn với Trung tâm Hàm Rồng – Núi Đọ sẽ là khu vực đô thị số 5 và số 6. Trong đó, khu vực số 5 thuộc các phường Hàm Rồng, Đông Cương, Đông Lĩnh, với hạt nhân Khu di tích danh thắng Hàm Rồng. Đây là khu vực bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng, phát triển đô thị mật độ thấp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao. Khu vực số 6 thuộc phường Thiệu Dương, Thiệu Khánh và xã Thiệu Vân, là khu đô thị sinh thái ven sông Mã, nằm giữa núi Đọ và Hàm Rồng. Nơi đây sẽ được bố trí các nhà ở dạng sinh thái, kết hợp với các làng xóm ven đê; bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ núi Đọ và các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng trong vùng; duy trì cảnh quan nông nghiệp của khu vực và hình thành các công viên ven sông Mã với chủ đề vườn thực cảnh, khảo cổ và danh nhân văn hóa lịch sử.

Ông Lê Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa cho biết: "Di tích núi Đọ được công nhận di tích quốc gia từ lâu nhưng chưa có mốc giới rõ ràng. Địa phương mong quy hoạch lần này được phê duyệt sẽ là cơ sở để các ngành chức năng cắm mốc giới, thu hút đầu tư, phát huy giá trị di tích".

Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Thanh Hóa

Những năm qua, thành phố Thanh Hóa đã và đang quan tâm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng Hàm Rồng – Núi Đọ gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa sẽ tạo cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế xã hội.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 4/4