Hậu phương trên tuyến đầu: "Người có mệt, tinh thần không được phép mệt"!

15:03 - 11/08/2020

"Chúng tôi ý thức được rằng nếu làm không tốt nhiệm vụ vòng ngoài, chỉ cần chậm một chút, sơ sẩy một chút cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và điều trị của đồng nghiệp ở vòng trong".

 “Tầng 3 cần bổ sung thêm bô cho bệnh nhân; nhờ Ban Hậu cần bổ sung giấy và khăn lau tay cho tầng 5; khu cấp cứu cần thêm quạt; khu lầu 7 cần nhận nhu yếu phẩm...”, yêu cầu liên tục được gửi ra từ khu vực điều trị các bệnh nhân Covid-19.

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Khu điều trị trở thành nơi “ngoại bất xuất, nội bất nhập”, lực lượng hậu cần ở vòng ngoài chính là hậu phương vững chắc cho các y, bác sĩ đang trực tiếp chống giặc Covid-19.

Nhận tin, lực lượng vòng ngoài nhanh chóng chuẩn bị đồ dùng, vật tư, rồi bố trí nhân lực tiếp tế kịp thời vào bên trong. Cách phối hợp nhuần nhuyễn như vậy đã được duy trì trong hơn 10 ngày qua, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, tuyến đầu chống dịch của miền Trung.

Hậu phương vững chắc cho tuyến đầu chống dịch

Là cán bộ, nhân viên của nhiều khoa/phòng từ Vật tư y tế, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược cho đến Tài chính kế toán, Công tác xã hội…, nhưng từ khi Bệnh viện được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 giao trọng trách chia lửa cho tâm dịch Đà Nẵng, những con người này lại cùng tựu chung về một lực lượng duy nhất: Ban Hậu cần.

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Lực lượng hậu cần với sự tham gia của nhiều khoa/phòng

Trong bối cảnh khu điều trị trở thành nơi “ngoại bất xuất, nội bất nhập”, lực lượng hậu cần ở vòng ngoài chính là hậu phương vững chắc cho các y, bác sĩ đang trực tiếp chống giặc Covid-19.

"Chúng tôi ý thức được rằng nếu làm không tốt nhiệm vụ vòng ngoài, chỉ cần chậm một chút, sơ sẩy một chút thôi cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và điều trị của đồng nghiệp ở vòng trong”, chia sẻ của chị Phương Thảo, một thành viên của Ban Hậu cần.

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều chị em trên tuyến đầu sẵn sàng hy sinh mái tóc dài để dễ dàng mặc đồ bảo hộ, giảm nguy cơ lây nhiễm khi chống dịch.

Gấp gáp, hối hả là những từ đúng nhất để diễn tả nhịp độ làm việc của Ban Hậu cần trong những ngày này. Mỗi người được phân công nhiệm vụ theo chuyên môn sở trường của mình, nhưng toàn lực lượng có chung một mục tiêu: Mọi yêu cầu từ khu cách ly phải được giải quyết một cách nhanh và chính xác nhất.

Những tối đi về không nuốt nổi cơm

“Chúng ta sẽ không có ngày nghỉ, thứ 7, chủ nhật vẫn đi làm như ngày thường”, Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo Ban Hậu cần. Không một lời than thở hay trách móc, thay vào đó là sự quyết tâm của toàn bộ lực lượng vì mục tiêu chung.

Những nhân viên y tế ở vòng ngoài cứ thế bước vào cuộc chiến như những chú ong chăm chỉ. Đè nặng trên vai họ là trách nhiệm phải đảm bảo từng bữa ăn, từng nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống của các y, bác sĩ và bệnh nhân đang ở bên trong lớp hàng rào cách ly.

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Có những chị em ngày thường cứ nghĩ chân yếu, tay mềm nhưng khi bước vào cuộc chiến thực sự, thì như biến thành một con người hoàn toàn khác.

“Những ngày này, đối với anh/chị/em ban hậu cần, việc ăn sáng thành ăn trưa, ăn trưa thành ăn xế là chuyện thường, có hôm về tới nhà còn không thể nuốt nổi cơm” - Chị Thảo tâm sự.

Tất cả lao vào công việc, nếm trải cảm giác căng thẳng, lo lắng chẳng khác gì các đồng nghiệp nơi tiền tuyến. Có những chị em ngày thường cứ nghĩ chân yếu, tay mềm nhưng khi bước vào cuộc chiến thực sự, thì như biến thành một con người hoàn toàn khác, bởi hoàn cảnh lúc này không cho phép họ yếu ớt, mệt mỏi.

 

Hậu phương trên tuyến đầu: Người có mệt, tinh thần không được phép mệt! - 6
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nếu làm không tốt nhiệm vụ vòng ngoài, chỉ cần chậm một chút, sơ sẩy một chút cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và điều trị ở vòng trong.

Chị nhớ lại, một hôm trời đã nhá nhem tối, lại có tiếng ting ting từ vòng trong gửi ra: “Chú ơi, tầng 3 bóng điện bị hư cần sửa gấp để chăm sóc bệnh nhân”. Biết anh, chị, em cần gấp mà bộ phận điện nước đang bận ở một khu khác, ngay lập tức 2 thành viên xung phong vào khu đó để sửa điện. Đằng sau lớp bảo hộ với 2 bóng tuýp trên tay không ai khác chính là Phó Giám đốc Bệnh viện.

“Cổ tôi bỗng thấy nghẹn lại và sống mũi cay cay. Lúc này đây địa vị, tuổi tác, nhiệm vụ không còn quan trọng bằng việc đảm bảo an toàn cho công tác điều trị bên trong” – Chị bộc bạch.

“Đã có”; “Đã chuẩn bị xong”; “Đã nhận được”, từng câu nói, dòng tin gửi về như “có phép” xoa dịu đi những mệt mỏi của lực lượng hậu cần, bởi với họ đây là thứ phần thưởng quý giá nhất.

Chia sẻ của chị Thảo cũng thay lời các blouse trắng đang trực chiến tại vòng ngoài: “Người mệt nhưng tinh thần không mệt, chỉ mong bên trong chiến tuyến ấy bình an!”

Minh Nhật/ Dân trí