Hiệp định Rsep-Sức bật mới giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

08:21 - 24/01/2022

(TTV) - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ( RCEP ) đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022. Đây là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 đối tác kinh tế là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc. Hiệp định này được các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Hàn Quốc vốn là thị trường truyền thống tiếp nhận các mặt hàng đồ gia dụng của Công ty TNHH Hồng Phát. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp đang kỳ vọng có thể tăng 20%-30% kim ngạch xuất khẩu ngay trong năm 2022. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có tham vọng chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính khác trong khối như: Nhật Bản, Singapo,.. Các bước hiện nay doanh nghiệp sẽ phải làm là thăm dò nhu cầu khách hàng ở các thị trường mới xem có phù hợp với chủng loại sản phẩm mà đơn vị đang sản xuất, kinh doanh hay không.

Với các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa, nỗi ám ảnh về quy tắc xuất xứ từ sợi hay từ vải phải sản xuất tại Việt Nam sẽ được giải tỏa trong RCEP. Hiệp định cho phép thiết lập một quy tắc xuất xứ chung, tức là sử dụng nguyên liệu trong RCEP, khi xuất bán trở lại vào khối sẽ được hưởng ưu đãi. Cùng với đó, cánh cửa vào các thị trường chiến lược ngoài ASEAN cũng rộng mở hơn.

Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Thanh Hóa như nông lâm, thủy sản cũng được đánh giá là có thể đáp ứng yêu cầu của hầu hết thành viên RCEP, khi nhiều doanh nghiệp đã có thời gian dài nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ phía đối tác, khách hàng. Đặc biệt, khi những quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác. Theo các doanh nghiệp, đây là cơ hội rất thuận lợi để cơ cấu và định vị lại các chuỗi cung ứng, tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu. Phạm vi quy mô của khu vực này đủ lớn để các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng rộng lớn. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thanh Hóa cũng e ngại việc nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự, nhưng năng lực cạnh tranh lại cao hơn. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hàng hóa từ Trung Quốc với lợi thế đa dạng, giá rẻ. Các thị trường trong khối cũng có sự chênh lệch và khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa nên sẽ rất khó cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh cũng như đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường.

Đến nay, Thanh Hóa đã có 185 doanh nghiệp xuất khẩu 55 mặt hàng sang 47 thị trường theo hướng tăng xuất khẩu chính ngạch và tập trung vào những thị trường lớn. Với những cơ hội cũng như thách thức mà RSEP mang lại, đòi hỏi các doanh nghiệp Thanh Hóa phải coi trọng đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, ngành công thương, các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt, vận dụng hiệp định thương mại tự do một cách thuận lợi và hiệu quả.

Theo Bản tin THNM 24/1/2022