Hiệu quả chính sách phục tráng rừng luồng thâm canh.

17:22 - 12/07/2018

(TTV) - Thanh Hóa có trên 70 nghìn ha rừng luồng. Tuy nhiên, do không được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, khai thác tùy tiện nên nhiều diện tich rừng luồng bị thoái hóa nghiêm trọng. Năm 2015, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết 151 về thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển rừng luồng thâm canh. Việc thực hiện nghị quyết này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng luồng theo hướng bền vững.

 

Rừng luồng của gia đình anh Bùi Văn Điệp

4 ha rừng luồng của gia đình anh Bùi Văn Điệp, thôn Chà Đa, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy được hỗ trợ phân bón để thâm canh, phục tráng rừng luồng. Sau 2 năm thực hiện, do được hỗ trợ phân bón và  hướng dẫn thâm canh nên rừng luồng của gia đình anh Điệp có tốc độ ra măng sớm, nhiều và khỏe hơn so với diện tích luồng không được chăm sóc.

 Anh Bùi Văn Điệp - Thôn Chà Đa, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy: gia đình nhận thấy hiệu quả kinh tế đối với rừng luồng rất cao, gia đình sẽ mua thêm phân bón để phục tráng những diện tích tiếp theo để đem lại hiệu quả kinh tế.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 151 về thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển rừng luồng thâm canh, huyện Lang Chánh đã phục tráng được 1.350 ha rừng luồng. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc bảo vệ rừng luồng, không khai thác luồng mùa măng, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật để người dân chăm sóc rừng luồng theo hướng thâm canh. 

Ông Nguyễn Viết Thắng - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh: Qua tuyên truyền này cũng đã tác động đến bà con, giúp cho bà con nâng cao nhận thức, dù có chính sách hay không có chính sách huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ người dân nhân rộng diện tích thâm canh phục tráng rừng luồng. 

Với chính sách hỗ trợ, phát triển rừng luồng thâm canh, đến nay, Thanh Hóa đã phục tráng được 5.500 ha rừng luồng. Các diện tích luồng được phục tráng theo hướng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật có tỷ lệ sinh măng tăng từ 1,5 đến 2 lần. Quan trọng hơn, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về  quản lý, bảo vệ phát triển và khai thác rừng luồng bền vững được nâng lên. Người dân không trông chờ vào nguồn hỗ trợ mà tự đầu tư thâm canh rừng luồng.

Với chính sách hỗ trợ, phát triển rừng luồng thâm canh, đến nay, Thanh Hóa đã phục tráng được 5.500 ha rừng luồng. 

Để đạt mục tiêu phục tráng trên 13.750 ha rừng luồng kém chất lượng, làm mới 134 km đường lâm nghiệp đến năm 2020, sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng luồng vẫn hết sức cần thiết. Từ đó mới có thể nhân rộng các diện tích rừng luồng thâm canh, nhằm nâng cao hiệu quả của cây luồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.

Lan Hương – Cao Tùng