Hiệu quả chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở xã Hòa Lộc

20:17 - 10/09/2019

(TTV) - Biến khó khăn thành lợi thế, trên những cánh đồng sản xuất nông nghiệp truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc đã khuyến khích người dân tích tụ đất, chuyển đổi sang các mô hình cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng là điều kiện giúp người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất.

 

Nông trại Acofram của anh Mai Xuân Quý một năm có thể trồng được 3 lứa dưa, lợi nhuận đạt 50 triệu đồng 1 sào 1 lứa.
Nông trại Acofram của anh Mai Xuân Quý một năm có thể trồng được 3 lứa dưa, lợi nhuận đạt 50 triệu đồng 1 sào 1 lứa.

Nông trại Acofram của anh Mai Xuân Quý, ở thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc là nông trại ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của xã Hòa Lộc. Sau khi tích tụ được hơn 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả do 30 hộ dân chuyển nhượng lại,  anh Quý đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo, chuyển đổi sang trồng rau, quả, chủ yếu là dưa vàng. Theo anh Quý, một năm có thể trồng được 3 lứa dưa, lợi nhuận đạt 50 triệu đồng 1 sào 1 lứa. Nếu đầu tư nhà màng, có thể thâm canh tăng vụ thêm các lứa rau, hoa vào cuối năm, giá trị thụ nhập sẽ cao hơn.

Từ những đồng muối bỏ hoang anh Thi đã thuê và cải tạo vào đầu năm 2019.
Từ những đồng muối bỏ hoang anh Thi đã thuê và cải tạo thành ao nuôi cá chim biển.

Gia đình anh Đào Văn Thi, ở thôn Tam Hòa có gần 4.000m2 ao nuôi cá chim biển. Từ những đồng muối bỏ hoang anh Thi đã thuê và cải tạo vào đầu năm 2019. Trước đó, anh Thi cũng đã thầu 8.600m2 đất làm muối bỏ hoang để nuôi thủy sản, mỗi năm thu lợi nhuận 700 triệu đồng. Năm nay, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi cá chim biển ở tỉnh Thái Bình, anh Thi quyết định thuê đất mở rộng diện tích và thí điểm nuôi cá. Theo anh Thi tìm hiểu, nuôi cá chim biển đầu tư giống, thức ăn khoảng 500 triệu đồng, sau 10 tháng nuôi, sẽ cho lãi khoảng 200 triệu đồng. Trong quá trình  nuôi các loại  thủy sản, anh  đều sử dụng phương pháp nuôi vi sinh, đảm bảo an toàn môi trường, dịch bệnh.

Từ năm 2016 đến nay, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc đã chuyển đổi được hơn 30 ha đất lúa kém hiệu quả, đất làm muối sang mô hình trang trại, trồng cây màu, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt, nuôi cá mú, tôm thâm canh trong nhà lưới… Dự kiến trong thời gian tới, xã  tiếp tục chuyển đổi khoàng 15 ha đất muối sang nuôi thủy sản. Theo tính toán, các mô hình chuyển đổi đều co thu nhập gấp 5  lần trở lên so với trước. Riêng chuyển đổi từ đất muối sang nuôi thủy sản, tuy đầu tư ban đầu lớn, nhưng thu nhập cao gấp hàng chục lần./.           

Theo thời sự tối ngày 10.9/TTV