Hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm hữu cơ

09:34 - 25/10/2021

(TTV) - Với mong muốn phát triển nông sản theo hướng bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, Anh Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh đã định hướng con đường sản xuất nấm an toàn, chú trọng đầu tư theo hướng công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao .

Anh Lê Đình Trúc
Anh Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (bên phải)

Sau nhiều năm học tập và làm ăn sinh sống ở miền Nam, năm 2013, anh Lê Đình Trúc trở về quê hương xã Yên Thọ, huyện Như Thanh khởi nghiệp với nghề trồng nấm. Ban đầu, anh chỉ sản xuất quy mô hộ gia đình, với mỗi vụ khoảng 10 nghìn bịch nấm. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy nhu cầu thị trường cao, anh Lê Đình Trúc đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Trúc Phượng, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm hữu cơ.

Không có nhiều vốn, anh Trúc lựa chọn phương thức vừa sản xuất, vừa mở rộng quy mô và từng bước hoàn thiện quy trình công nghệ. Trước đây, mỗi lao động trong ngày chỉ đóng được 1 nghìn bịch, nhưng nay, với dây chuyền tự động, mỗi giờ có thể đóng được 2000 nghìn bịch nấm. Bằng việc đưa lò hấp khử trùng phôi nấm, máy ủ, đảo tơi nguyên liệu vào quá trình sản xuất, đối với một mẻ nấm 5.000 bịch, thời gian hoàn thành từ công đoạn ủ đến cấy giống là 24 tiếng. Công đoạn này trước kia có khi mất cả tuần. Điều kiện nhiệt độ, ánh sáng được điều chỉnh phù hợp đã kích thích nấm phát triển, thời gian thu hoạch được rút ngắn hơn so với bình thường, giảm 1/3. Năm 2018, HTX đã đầu tư công nghệ, đi sâu vào nghiên cứu nuôi cấy mô, chủ động tạo ra nguồn giống có chất lượng, năng suất cao. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn nấm bào ngư, mộc nhĩ, linh chi và nấm rơm, lợi nhuận hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động.

Thị trường tiêu thụ nấm của HTX nông nghiệp hữu cơ Trúc Phượng hiện nay là hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hiện Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm là nấm bào ngư xám, linh chi đỏ và mộc nhĩ khô được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Với sản phẩm nấm hữu cơ được sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản phẩm nấm của HTX nông nghiệp hữu cơ Trúc Phượng hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Thanh Tâm - Xuân Sơn/Bản tin Thanh Hóa ngày mới 25/10