Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao

20:57 - 21/04/2024

Ngày 01/11/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết, các địa phương đã tập trung triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tích cực tích tụ đất đai để phát triển sản xuất tập trung, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất. Luỹ kế đến hết năm 2023, Thanh Hóa đã tích tụ được gần 50.000 ha để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 38,7 nghìn ha so với năm 2018, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước ban hành Nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh tích tụ đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Nhiều giải pháp được đề ra nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13. Trong đó, cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành theo Nghị quyết số 192 ngày 16/10/2019. Chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thuê đất, chuyển nhượng đất để khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao đối với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản; Nghị quyết số 01 ngày 24/3/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành về sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đã bổ sung đất công ích vào đối tượng được hỗ trợ kinh phí thuê đất, chuyển nhượng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; đồng thời đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ.

Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao- Ảnh 1.

Từ những cơ chế, chính sách kích cầu của tỉnh, nhiều địa phương đã triển khai áp dụng, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tích cực tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ. Đã xuất hiện nhiều điển hình tích tụ đất đai, sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Quảng Xương… tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường; mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi, tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân… cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; đồng thời, hình thành các vùng trồng rau, màu hàng hóa ở nhiều địa phương, góp phần gia tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác, tạo thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ sản phẩm và doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu.

Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến nông sản Trung Thành, huyện Nông Cống cho biết: "Trong quá trình tích tụ ruộng đất, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của chính sách, của nhà nước cho mỗi 1 ha là 5 triệu đồng. Từ nguồn  động viên này, chúng tôi đã tích tụ được gần 100ha và phương hướng tới đây, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tích tụ thêm đất đai nữa để triển khai trồng dứa, dưa chuột và cây cà chua để đảm bảo nguyên liệu ổn định cho nhà máy".

Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao- Ảnh 2.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13, cùng với xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu hàng năm cho các xã, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đa dạng các hình thức tích tụ, như: dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai, xây dựng mô hình tích tụ; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Từ năm 2019 đến hết năm 2023, Như Xuân đã tích tụ được trên 3000 ha, vượt 117 ha, đạt 104% mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, có gần 1000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao, với giá trị sản xuất từ 300 - 600 triệu đồng/1 ha/1 năm.

Ông Lê Quang Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Vân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để thực hiện Nghị quyết về tích tụ đất đai quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, thời gian qua, xã Cát Vân đã tuyên truyền và khuyến khích bà con Nhân dân góp vốn, góp đất để xây dựng hợp tác xã. Hiện nay, xã đã xây dựng được hợp tác xã, từ đó bà con Nhân dân có vùng sản xuất tập trung rộng lớn để sản xuất cây chè. Hiện nay, trên địa bàn xã Cát Vân đã hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình tham gia trồng chè 3 triệu đồng, từ đó chúng tôi đã liên kết được với công ty chế biến chè để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con Nhân dân". 

Ông Lê Văn Thuận, Phó Bí Thư thường trực Huyện ủy Như Xuân cũng cho biết: "Những kết quả đạt được đối với huyện Như xuân hết sức quan trọng, đối với công tác lãnh, đạo chỉ đạo, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung triển khai thực hiện nghị quyết và đã có những kế hoạch tạo sự chuyển biến trong nhận thức của bà con Nhân dân. Trong 4 năm đã tích tụ được trên 3.000 ha đất đai để từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình trang trại. Kinh tế lâm nghiệp trong phạm vi của huyện cũng được đẩy mạnh".

Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao- Ảnh 3.

Ngoài chính sách của tỉnh, huyện Nông Cống cũng đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình tích tụ ruộng đất gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap; hỗ trợ xây dựng mô hình vườn cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao… Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết, huyện Nông Cống đã tích tụ, tập trung hơn 2.270 ha/1.000 ha kế hoạch. Hiện Nông Cống đã phát triển được nhiều vùng sản xuất tập trung như: chuỗi liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần tại các xã Trường Trung, Trung Chính, Tượng Lĩnh, Trường Sơn, Thăng Long, Trung Thành, Vạn Thắng… tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha. Vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Trường Giang, Tượng Văn, Trường Trung... cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 600 triệu đồng.

Anh Lê Thiện Lâm, thôn Đông Hòa, xã Trường Giang, huyện Nông Cống cho biết: "Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống nuôi tôm theo công nghệ cao và hệ thống nuôi cua theo hướng công nghệ cao, và cũng bước đầu nuôi trồng có hiệu quả cao hơn nhiều so với lại nuôi quảng canh truyền thống, bởi vì quảng canh truyền thống là số lượng nuôi không được nhiều và dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết".

Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao- Ảnh 4.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao cũng đã khắc phục được tình trạng lãng phí ruộng đất khi người dân không có nhu cầu sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa đã thuê lại gần 20 ha đất của của nhiều hộ dân bỏ hoang để trồng khoai tây vụ đông và luân canh các loại rau màu khác. Sản phẩm được ký kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Lợi nhuận mỗi năm đạt trên dưới 200 triệu đồng/1 ha. Trong đó, riêng cây khoai tây vụ đông cho lợi nhuận 100 triệu đồng/1 ha

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lũy kế đến hết năm 2023, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao của Thanh Hóa đạt gần 50.000 ha. Tăng gần 38,7 nghìn ha so với năm 2018 (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là đề ra là đến năm 2025 tích tụ thêm 32.000 ha). Nguồn kinh phí hỗ trợ tích tụ đất đai của tỉnh từ năm 2020 đến hết năm 2023 khoảng 25 tỷ đồng. Hiệu quả thực hiện chính sách đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác. Trong trồng trọt, giá trị sản phẩm trung bình trên 1 ha sản xuất trồng trọt năm 2023 đạt 120 triệu đồng, tăng 17,7 triệu đồng /1 ha so với năm 2020.

Hiệu quả từ tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao- Ảnh 5.

Tuy nhiên, trong quá trình tích tụ đất đai, các địa phương vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc, như: hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản... chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ hoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; thiếu doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chất lượng dịch vụ của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chưa cao. Tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân gây khó khăn trong quá trình tích tụ, trong khi hạn mức giao đất nông nghiệp theo Luật đất đai thấp…

Do vậy, cùng với triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Nâng cao vai trò hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân, trong việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai, gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn.

Nguồn: Chuyên mục Đảng trong cuộc sống ngày 19/4/2024