Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi

22:00 - 13/10/2019

(TTV) - Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi. Một trong những giải pháp hàng đầu để giảm nghèo nhanh và bền vững là thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Chương trình 135 là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống nhân dân huyện Lang Chánh. Cùng với việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ gia đình, chương trình đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình nuôi lợn nái sinh sản, bò sinh sản, chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học, cải tạo vườn tạp, trồng rau an toàn theo quy mô tập trung...

Tại huyện Như Xuân, 10 năm qua, từ nguồn vốn 65 tỷ 100 triệu đồng hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 6.200 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mua sắm vật tư sản xuất; hỗ trợ  gần 3.900 hộ mua trâu, bò sinh sản, xây dựng 11 mô hình khuyến nông - khuyến lâm và khoán cho 1500 hộ dân chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ.

Các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 51,32%, năm 2009, xuống còn 7,8%, năm 2019. Tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Như Xuân thoát khỏi danh sách các hộ nghèo nhất cả nước thuộc chương trình 30A.

Trong 5 năm qua, hơn 90 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện miền núi trong tỉnh đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón;  hơn 4.000 lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, với tổng nguồn vốn trên 2.800 tỷ đồng. Sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh đã tạo nền tảng quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi đạt 20 triệu đồng; giai đoạn 2014 – 2019 bình quân mỗi năm giảm 2,3% hộ nghèo, tốc độ giảm nghèo các huyện miền núi cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh.

Các mô hình phát triển sản xuất còn giúp thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, khơi dậy ý chí vươn lên để thoát nghèo và hướng tới làm giàu. Đây chính là yếu tố đảm bảo tính bền vững của công tác giảm nghèo tại các huyện miền  núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

Bản tin Thời sự tối TTV