Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định số 67

20:01 - 20/08/2018

(TTV) - Sáng 20/8 tại Thành phố Sầm Sơn, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản theo Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tới dự và phát biểu ý kiến.

 

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chính sách tín dụng  theo Nghị định số 67/2014/NĐ- CP
Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ- CP

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tới tỉnh Thanh Hóa để dự hội nghị quan trọng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức, nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67.  Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: trước khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức hội nghị ngày hôm nay (20/8), UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành và các Ngân hàng tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo  3 nhóm giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gồm: chính sách đầu tư; chính sách tín dụng và chính sách bảo hiểm, đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng đơn vị và cơ chế phối hợp để giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Nhân hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói riêng và hệ thống các Ngân hàng Thương mại nói chung, sớm triển khai chính sách vay vốn lưu động cho các chủ tàu cá theo Thông tư số 12 ngày 27/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời có cơ chế linh hoạt cho ngư dân được trả lãi theo quý hoặc 6 tháng 1 lần, do đặc thù khai thác hải sản xa bờ nên việc trả lãi hàng tháng cũng rất khó khăn và bất tiện cho ngư dân.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tính đến hết ngày 31/7/2018, chương trình cho vay theo Nghị định 67 đã triển khai trên địa bàn 27 tỉnh, dư nợ gần 5.500 tỷ đồng, để đóng mới và nâng cấp 622 tầu cá, cho 57 tầu vay vốn lưu động.  Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các trường hợp tầu bị bắt giữ và các chủ tầu chuyển đổi nghề, nhiều trường hợp phát sinh trên thực tế nhưng chưa được đưa vào quy định, nên không thể áp dụng chính sách.

Ngoài ra, việc quản lý thu nhập và dòng tiền từ doanh thu bán hàng của các chủ tầu để thực hiện việc thu nợ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nợ xấu của gói cho vay đóng mới, cải tạo tầu đánh cá đã lên tới 155 tỷ đồng. Các giải pháp được bàn tại hội nghị tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Đức Đồng – Hồng Thư