Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm

20:52 - 15/08/2018

(TTV) - Ngày 15/8, đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hoá đến dự và phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, bàn các giải pháp triển khai trong thời gian tới.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2018 phong trào kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Một số hợp tác xã đã tiến hành sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, mở rộng về quy mô và có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, đến nay, cả 5 hợp tác xã tham gia chương trình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai ký kết hợp đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới được 37 hợp tác xã, có 842 hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012, đạt 88% số hợp tác xã phải chuyển đổi, tổ chức lại.

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Ban chỉ đạo kinh tế tập thế Thanh Hoá đã thảo luận và thống nhất sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại chất lượng các loại hình hợp tác xã, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế tập thể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nói chung và  phong trào xây dựng nông thôn mới, nói riêng. Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện vẫn còn yếu, hoạt động của Liên minh hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong khi sự quan tâm của Ban chỉ đạo các cấp vẫn chưa sát sao. Số hợp tác xã hoạt động đúng theo Luật hợp tác xã 2012 chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, phần lớn hoạt động theo hình thức gia đình, sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn chạy theo số lượng, chưa xuất phát từ nhu cầu sản xuất thực tế và nhu cầu thành lập của các thành viên. Mô hình hợp tác xã kiểu mới còn ít, vốn hoạt động không đáng kể, tính tự chủ chưa cao, hoạt động của bộ máy quản lý còn hạn chế.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thời gian tới, đối với những hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động không hiệu quả, phải vừa vận động, tuyên truyền, vừa kiên quyết giải thể theo đúng luật. Cần tuyên truyền ,vận động, hướng dẫn thành lập, tạo điều kiện cho các hợp tác xã kiểu mới hoạt động, phát triển hợp tác xã gắn với  sản phẩm đặc trưng làng, xã, theo lợi thế của từng địa phương, phải thực hiện cho được chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”./.

Thanh Hường – Xuân Trường