Hội nghị tổng kết 5 năm ngành sắn Việt Nam

20:40 - 15/08/2018

(TTV) - Chiều 15/8, tại thành phố Sầm Sơn, Hiệp hội sắn Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm ngành sắn Việt Nam, giai đoạn 2013 – 2018 và Đại hội nhiệm kỳ II, giai đoạn 2018 – 2023. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tới dự hội nghị.

 

Được thành lập năm 2013, đến nay Hiệp hội sắn Việt Nam đã thu hút được 111 thành viên tham gia. 5 năm qua, Hiệp hội đã phối hợp với các địa phương đảm bảo cân đối quy hoạch vùng nguyên liệu với công suất chế biến của các nhà máy trong vùng; nghiên cứu áp dụng các giống sắn có năng suất cao vào sản xuất. Qua đó, đưa diện tích trồng sắn cả nước ổn định trên 500 nghìn ha. Năng suất sắn tăng lên 18,45 tấn 1 ha (năm 2017), có vùng đầu tư thâm canh năng suất đạt từ 35 – 40 tấn 1ha. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn năm 2017 đạt trên 1,35 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. Cây sắn hiện đã được đưa vào nhóm 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Sự phát triển của các doanh nghiệp ngành sắn đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giới thiệu với các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa và những kết quả nổi bật của Thanh Hóa trên lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí khẳng định: Tại Thanh Hóa, cây sắn đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân và tăng thu ngân sách địa phương. Trong định hướng phát triển, Thanh Hóa xác định cây sắn vẫn là một trong những cây trồng chủ lực, do đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội sắn Việt Nam tiếp tục có các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cây sắn, nhất là  cần quan tâm đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả cây sắn; hướng tới chế biến đa dạng các sản phẩm từ cây sắn... Đồng thời,  ứng dụng tiến bộ KHKT vào canh tác, sản xuất phân bón cho cây sắn, tăng độ phì nhiêu cho vùng đất trồng sắn, nghiên cứu cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn; tăng cường gắn kết giữa nhà máy và chính quyền địa phương, người trồng sắn để phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Nhân dịp này, Hiệp hội sắn Việt Nam và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất tiêu thụ cây sắn giai đoạn 2012 – 2017 được tặng Bằng khen của Bộ Công thương và Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn./.

Thanh Thảo – Hồng Thư