Hội nghị triển khai công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm những tháng cuối năm

22:04 - 08/08/2018

(TTV) - Ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, Trưởng Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm dự và chỉ đạo hội nghị triển khai công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm những tháng cuối năm.

 

Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh khẳng định: Qua công tác chỉ đạo triển khai và thực kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể thấy, công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Hầu hết các ngành,  các cấp ủy Đảng, chính quyền đều nhận thức rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm quản lý Nhà nước, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch  của UBND tỉnh về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tinh thần Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Nhận thức của cộng đồng dân cư về an toàn vệ sinh thực phẩm được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang xây dựng trên 300 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm; 30 mô hình chợ; 93 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; Dự kiến hàng năm cung ứng ra thị trường trên 22.000 tấn gạo, 19.000 tấn rau quả, 4.700 tấn thịt gia súc gia cầm đảm bảo an toàn. Trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay không  phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm và kháng sinh cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Dù còn khó khăn, nhưng Thanh Hóa là một trong những tỉnh đã dành nguồn lực cho việc đảm bảo phương tiện, trang thiết bị và nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04, dù công tác quản lý và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực thực sự, song  vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Xuất phát từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao, khó khăn cho quản lý nhà nước;  Một số người đứng đầu chính quyền các huyện và đặc biệt là chính quyền cấp xã chưa nhận rõ trách nhiệm về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nên chưa quan tâm đến việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Có tình trạng  nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm treo biển kinh doanh thực phẩm an toàn nhưng hàng hóa vẫn không có nguồn gốc, xuất xứ;  Nhiều cửa hàng kinh doanh không có sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm, không lưu mẫu thực phẩm; Việc cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở nhỏ lẻ còn chậm. Quản lý cơ sở giết mổ vẫn rất khó khăn do cả tỉnh còn tới hơn 1000  cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư (chiếm khoảng 70%)  không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường; Việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm kể cả thực phẩm sản xuất trong tỉnh và nhập từ tỉnh ngoài vào rất khó khăn. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp huyện và cấp xã còn rất hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các ngành chức năng tập trung cao độ cho chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được giao từ đầu năm theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Y tế tăng cường hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực mình phụ trách, nắm bắt và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm ở cơ sở; Tổ chức sơ kết chuyên sâu về các mô hình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm, bếp ăn tập thể, chợ an toàn vệ sinh thực phẩm để  kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xác định và kịp thời điều chỉnh thời gian thực hiện các mô hình thí điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm để quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện  nhưng  không quá cứng nhắc và phù hợp với tình hình thực tiễn

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng điều phối Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các ngành, rà soát các tiêu chí xây dựng mô hình thí điểm xã an toàn vệ sinh thực phẩm để tháo gỡ khó khăn và có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện; Hoàn chỉnh quy định trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa vào đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách theo thẩm quyền./.

Phương Thảo- Xuân Trường