Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng chính phủ điện tử

21:50 - 12/02/2020

(TTV) - Sáng 12/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm và các thành viên ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

 

Báo cáo và phát biểu của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tại hội nghị trực tuyến khẳng định: việc xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử thời gian qua  đã đạt những kết quả quan trọng. Cả nước đã có 55/63 địa phương tổ chức trung tâm phục vụ hành chính công; tỉ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Hơn 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành đã được rà soát, cắt giảm; Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là hơn 18 triệu ngày công 1 năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay vẫn có tình trạng thiếu đồng bộ; các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm, nhiều nền tảng khác nhau nên khó chia sẻ, khó liên thông.

Để thực hiện mục tiêu năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số, các ý kiến thảo luận cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng và ban hành ngay các văn bản pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển chính phủ, chính quyền điện tử, ưu tiên xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông từ Trung ương đến địa phương; tăng cường cung cấp các dịch vụ số, đảm bảo cho mọi người dân, doanh nghiệp ở mọi vùng miền kể cả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có thể sử dụng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, tăng cường chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử theo nghị quyết số 17 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng. Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với  đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Thanh Hóa sau hội nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu các ngành thành viên ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh cần tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu cho UBND rà soát, điều chỉnh bổ sung các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử năm 2020. Trước hết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị tổ chức hội nghị vào đầu tháng 3/2020, sơ kết  đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa trong năm 2020 và định hướng đến năm 2025./.

 

Bản tin Thời sự tối TTV