Hội Nông dân Thanh Hóa hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu

07:41 - 07/07/2020

(TTV) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

 

Vườn mít nhà ông Nguyễn Văn Thọ xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành.
Vườn mít nhà ông Nguyễn Văn Thọ xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành.

Trên diện tích 2 ha vườn đồi, ông Nguyễn Văn Thọ, hội viên nông dân ở thôn Thịnh Tiến, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành quyết định trồng cây mít Thái Lan. Được Hội nông dân huyện Thạch Thành hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ông Thọ đã đầu tư hệ thống tưới phun sương, đồng thời  dùng bao bọc trái để phòng chống sâu bệnh. Nhờ đó, vườn mít Thái của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng trái đảm bảo an toàn, được các thương lái thu mua với giá tốt.

Quân bình 1 năm, ông thu hoạch trên 60 tấn quả. Với giá bán từ 17 đến 20 nghìn đồng/kg, một năm ông thu về trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 400 triệu đồng. Không chỉ ông Thọ, trên địa bàn huyện Thạch Thành, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với phương thức sản xuất cũ.

Để tạo điều kiện giúp hội viên nông dân trong tỉnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tín chấp và ủy thác với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH tỉnh với dư nợ 11.007 tỷ đồng cho hội viên nông dân vay đầu tư sản xuất; quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 62 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp với các doanh nghiệp chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất rau, củ, quả, con nuôi an toàn cho nông dân; mỗi năm đầu tư cung ứng trên 30 nghìn tấn phân bón chậm trả. Ngoài ra, Hội đã đấu mối cho 26 hợp tác xã và 102 tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở thêm ngành nghề, dịch vụ mới, đầu tư máy móc trong sản xuất kinh doanh, phát triển gia trại, trang trại theo hướng sản xuất công nghệ cao, hữu cơ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có trên 200 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, hàng nghìn hộ nông dân có thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/năm. Đây là những nhân tố điển hình để thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở các địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực thực hiện thành công chương trình nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững./.

Bản tin Thanh Hóa ngày mới TTV