Iran khẳng định lập trường về đàm phán hạt nhân

17:56 - 15/04/2021

Tiến trình đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không được gây tổn hại tới Iran. Đây là tuyên bố mới nhất của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ nối lại trong ngày hôm nay tại thủ đô Vienna của Áo.

Trong một bài phát phát biểu trên truyền hình ngày 14-4, ông Ali Khamenei cho rằng cần cẩn trọng không để tiến trình đàm phán tại Vienna bị kéo dài bởi điều này là không có lợi đối với Tehran. Lãnh tụ tối cao Iran cũng tái khẳng định lập trường là các lệnh trừng phạt cần được dỡ bỏ và nước cộng hòa hồi giáo sẽ thực hiện các cam kết hạt nhân của mình.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei

Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử sẽ được nối lại tại Vienna trong ngày hôm nay nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã gần hoàn tất quá trình chuẩn bị để bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời dự kiến bổ sung 1.024 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 dưới lòng đất.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định việc Iran tuyên bố nâng mức làm giàu urani lên 60% là động thái "đáp trả đầu tiên" sau vụ nổ tại nhà máy hạt nhân Natanz vào cuối tuần qua. Ông Rouhani nêu rõ Iran sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân trong khuôn khổ pháp lý cho phép, đồng thời nhấn mạnh trong mọi trường hợp IAEA sẽ tiếp tục giám sát hoạt động làm giàu urani của Iran bất kể ở mức độ nào.

Phản ứng trước động thái trên của Iran, phát biểu tại họp báo ở trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng bước đi này gây hoài nghi về sự nghiêm túc Tehran trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki thông báo Mỹ và Iran sẽ thực hiện đàm phán gián tiếp trong ngày 15/4 tại Vienna về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Theo bà Paski, dù đây sẽ là một tiến trình dài nhưng Mỹ xem đây là một dấu hiệu tích cực.

Trước đó, các nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về bước đi của Iran, đồng thời cũng cho rằng nó đi ngược lại với sự thiện chí, tinh thần xây dựng đang có trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Áo.

Theo Bản tin thời sự Tối/TTV