Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch

08:32 - 23/10/2020

(TTV)- Trong 2 năm trở lại đây, cùng với đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa cũng rất chú trọng đến việc kết nối sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch để đạt được mục tiêu kép là vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, vừa tạo điều kiện để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Năm 2019, sản phẩm bánh gai của cơ sở sản xuất Lâm Thắm, thuộc làng nghề truyền thống bánh gai Tứ Trụ, huyện Thọ Xuân được công nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng 3 sao. Để chủ động đưa sản phẩm làng nghề đến gần hơn với khách du lịch, thời gian qua, cơ sở này đã tích cực tham gia các kênh xúc tiến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, làm quà bán cho du khách tại Khu di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh,  cảng hàng không Thọ Xuân. Đồng thời, chủ cơ sở cũng đã chủ động đấu mối với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến tham quan làng nghề và mua sắm sản phẩm.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ giúp tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, “một mũi tên trúng hai đích”. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Thực tế đến nay, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP của Thanh Hóa đã chiếm được cảm tình của du khách, nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP  phù hợp là điểm đến tham quan,  du lịch.

Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được đông đảo người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến và tin dùng, thì các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch có sức hút lớn trên địa bàn tỉnh cần ưu tiên trưng bày, bán sản phẩm OCOP, hoặc tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được gửi các ấn phẩm, vật phẩm để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu và chào bán các sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh cần chú trọng hơn đến mẫu mã, thương hiệu sản phẩm, tạo dựng quang cảnh khu vực sản xuất phù hợp với với hoạt động tham quan, điểm đón tiếp, đồng thời chủ động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành.

Có thể thấy OCOP gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi khá phù hợp và mang lại nhiều lợi ích, do đó chính quyền các địa phương cần quan tâm, có chính sách phù hợp để tạo kết nối giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Thực tế thì nhiều địa phương trong nước đã rất thành công trong cách làm này, biến những làng nghề, cơ sở sản xuất thành những điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn, những sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm du lịch được ưa chuộng, như Lụa tơ tằm  Hà Đông, Nón lá Huế, nước mắm Phú Quốc.

Theo THNM 23/10/2020