Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa

10:39 - 20/01/2019

(TTV) - Sáng 20/1, Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa thuộc di tích lịch sử Quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang được tổ chức tại xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Đến dự lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Ngô Văn Dụ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban liên lạc dòng họ Ngô Việt Nam, dòng họ Ngô Thanh Hóa cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. 

Điện Thừa Hoa được xây dựng cách đây gần 600 năm, là nơi thờ Chính Quang thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà sinh năm Canh Tý 1420, là người phụ nữ có vị trí đặc biệt trong lịch sử triều Lê, có ảnh hưởng và có công lớn với 3 vị vua Lê. Bà là vợ của vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông và là bà nội của vua Lê Hiển Tông - ba vị vua kế thừa và phát triển thành công nhất sự nghiệp xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền theo Nho giáo của Triều Lê, khiến cho thời Lê Sơ trở thành thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Với những công lao to lớn và phẩm hạnh cao quý, Bà được sử sách ghi nhận và tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”.

Trải qua nhiều thế kỷ, Điện bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Ngày 1/5/2018, Dự án công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, UBND huyện Yên Định làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Him Lam là đơn vị thi công; tổng kinh phí hơn 97 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 10 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa. Sau 7 tháng thi công, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm các hạng mục: Cung đệ nhất, Cung đệ nhị, Cung đệ tam, Nghinh môn và các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí đầu tư hơn 62 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tài trợ gần 50 tỷ đồng.

Tại buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, thành kính và phấn khởi, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền khẳng định: Di tích được tôn tạo với quy mô, chất lượng, cảnh quan, kiến trúc cơ bản tái hiện lại được di tích xưa, sẽ góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; đồng thời, đáp ứng nhu cầu về tự do tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Đồng chí đề nghị: UBND huyện Yên Định và UBND xã Định Hòa cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với di tích, để sớm xây dựng di tích trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh nổi tiếng của cả nước; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong các tầng lớp nhân dân, để tạo hình ảnh đẹp về con người xứ Thanh trong lòng du khách, xứng đáng là thế hệ con cháu của Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Huyện Yên Định cần có kế hoạch huy động nguồn lực bảo quản, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, gắn với phát triển du lịch; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

 Cẩm Tú - Thanh Tùng