Khó chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn

07:30 - 14/12/2018

(TTV)- Thông thường, 1 ha rừng gỗ lớn cho thu nhập cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với rừng gỗ nhỏ. Tỉnh Thanh Hóa và ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ. Tuy nhiên, việc trồng và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn ở các địa phương trong tỉnh hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh có gần 1.200 ha rừng sản xuất. Mặc dù đã triển khai thực hiện đề án phát triển rừng gỗ lớn từ năm 2016,  nhưng đến nay trên địa bàn xã mới chỉ chuyển đổi được 150 ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. 

Ông Nguyễn Văn Bảo- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Thanh:  "Khó là kinh tế nhiều hộ gia đình, đa số họ kinh doanh gỗ nguyên liệu là chính. Khó khăn nữa là việc các hộ tham gia đăng ký đề án này thì đăng ký với huyện chỉ mang tính giao kết dân sự, cam kết chứ chưa có văn bản pháp luật nào để điều chỉnh nên khi mình xử lý trách nhiệm của chủ rừng họ sử dụng quyền sở hữu rừng trồng của họ "
Ông Nguyễn Văn Bảo- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Thanh: "Khó là kinh tế nhiều hộ gia đình, đa số họ kinh doanh gỗ nguyên liệu là chính. Khó khăn nữa là việc các hộ tham gia đăng ký đề án này thì đăng ký với huyện chỉ mang tính giao kết dân sự, cam kết chứ chưa có văn bản pháp luật nào để điều chỉnh nên khi mình xử lý trách nhiệm của chủ rừng họ sử dụng quyền sở hữu rừng trồng của họ"

Hiện Thanh Hóa có trên 79 nghìn ha rừng sản xuất, nhưng diện tích trồng rừng gỗ lớn chỉ chiếm 25%. Hầu hết diện tích trồng keo đều thu hoạch ở chu kỳ 4 – 6 năm, đường kính thân cây phổ biến từ 15 – 20 cm, tiêu thụ chủ yếu ở dạng gỗ dăm, làm nguyên liệu giấy, giá trị thu nhập chỉ đạt từ 120 – 150 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, nếu chu kỳ thu hoạch từ 10 đến 12 năm, cây keo sẽ đạt đường kính tối thiểu 25cm, đủ tiêu chuẩn gỗ lớn, giá trị thu nhập có thể đạt từ 300 – 400 triệu đồng/ha. Biết là vậy, nhưng người trồng rừng vẫn phải bán non vì không đủ vốn để duy trì:

 Ông Cầm Bá Đằng- Thôn Trung Chính, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân:  "Thực sự khó khăn, cây keo nhỏ mình trồng thì khai thác luôn, có thu nhâp không cao nhưng cũng cải thiện được đời sống. Để cây keo lớn có thu nhập hiệu quả cao nhưng thời gian tương đối lâu. 9 10 năm nguồn vốn mình đợi cũng gặp vất vả "
Ông Cầm Bá Đằng- Thôn Trung Chính, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân: "Thực sự khó khăn, cây keo nhỏ mình trồng thì khai thác luôn, có thu nhâp không cao nhưng cũng cải thiện được đời sống. Để cây keo lớn có thu nhập hiệu quả cao nhưng thời gian tương đối lâu. 9 10 năm nguồn vốn mình đợi cũng gặp vất vả"

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để đẩy mạnh phát triển diện tích rừng gỗ lớn thì không thể để người trồng rừng tự “bơi”, mà cần có vai trò hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chính sách về đất đai, chính sách đầu tư tài chính, chính sách về khoa học kỹ thuật và chính sách hỗ trợ tiêu thụ. Nếu không thực hiện tốt các giải pháp này, tỉnh Thanh Hóa khó có thể đạt mục tiêu phát triển ổn định 56 nghìn ha rừng kinh doanh gỗ lớn vào năm 2020.

Lan Hương –Anh Dũng