Khó khăn, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

11:58 - 18/05/2019

(TTV) - Mặc dù các ban, ngành chức năng liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống cháy rừng, nhưng trên thực tế công tác này vẫn còn không ít khó khăn, bất cập.

 

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy rừng. Điều đáng chú ý là hầu hết các vụ cháy rừng đều có nguyên nhân chủ quan, do sự thiếu ý thức của chủ rừng hoặc người dân sinh sống gần khu vực có rừng.

Qua kiểm tra, rà soát của các cơ quan chức năng, mặc dù đã được tuyên truyền, ký cam kết thực hiện xây dựng khu dân cư “4 không”, trong đó có nội dung không sử dụng lửa bừa bãi trong sinh hoạt, sản xuất để xảy ra cháy rừng; nhưng vẫn còn hiện tượng một số người dân dùng lửa đốt tổ ong lấy mật; đốt thực bì không đúng quy trình, quy định; thiếu kiểm soát khi đốt vàng mã ở các nghĩa trang gần rừng...Đây chính là những nguồn gây nguy cơ cháy rừng rất cao.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa,  toàn tỉnh hiện có 50 ngàn ha rừng thuộc diện nguy cơ cháy rất cao, trong đó có hơn 10 nghìn ha rừng thông, còn lại chủ yếu là diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng khiến việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguy cơ cháy rừng hết sức khó khăn. Ngoài ra, công tác chữa cháy rừng cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn về phương tiện, thiết bị chữa cháy.

Hiện đang bước vào mùa cao điểm nắng nóng, với nền nhiệt rất cao, làm tăng nguy cơ gây cháy rừng. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt các nguyên nhân gây cháy rừng do chủ quan của con người, thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Theo Bản tin chào ngày mới TTV